Để hàng Việt được tỏa sáng

11:53 | 12/09/2014
LĐTĐ - Để hàng Việt được tỏa sáng không đơn thuần chỉ là câu chuyện về “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà quan trọng hơn phải có cơ chế gì từ phía các cơ quan hoạch định chính sách; mỗi cá nhân doanh nghiệp (DN) phải làm gì để có những sản phẩm vừa chất lượng, song lại có giá thành hợp lý phù hợp với thu nhập của đại bộ phận nhân dân quả là vấn đề không đơn giản.

Suy nghĩ từ những dự án tỷ USD

Lao động Thủ đô từng có bài phản ánh về hậu những dự án tỷ USD mà các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến lợi thế tạo ra lao động việc làm, song cũng cảnh báo về tương lai của chúng ta nếu khi các dự án đó hết thời hạn.

Chúng ta sẽ làm gì để tận dụng cơ hội này để tiếp tục phát triển nền công nghiệp, công nghệ nước nhà? Vì xét cho cùng, bản chất của nhà đầu tư là lợi nhuận. Họ đến thị trường chúng ta đầu tư là để hưởng lợi từ chính sách lao động rẻ, lại nhiều ưu đãi về thuế, còn dường như “bức tường” chuyển giao công nghệ vẫn là “bí ẩn” đối với chúng ta.

Lại nói về các dự án tỷ USD, dẫu thông tin chưa được kiểm nghiệm, song một kỹ sư ngành công nghệ nói với PV rằng khi sang Việt Nam đầu tư, Samsung Bắc Ninh có đề nghị các DN cung cấp sản phẩm xạc điện thoại cho DN này thì không một DN Việt Nam nào thực hiện được.

Đây có lẽ là một bằng chứng về sự yếu kém nền công nghiệp phụ trợ trong nước. Tuy nhiên, cũng nói với PV về chủ đề này, lãnh đạo một công ty phần mềm cho rằng: Không đơn thuần quy chụp DN trong nước không sản xuất nổi cái sạc pin điện thoại. Vấn đề ở chỗ, làm theo đơn đặt hàng rất dễ bị “gài bẫy” về giá.

Ví như trót đầu tư hàng chục tỷ đồng chỉ để sản xuất mỗi sạc pin điện thoại theo đơn đặt hàng của một hãng nào đó, đầu tư xong, họ dăng bẫy trong hợp đồng để dìm giá, thế là phá sản ngay. Thế nên, DN phải tính tới yếu tố rủi ro.

Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được ưa chuộng.

Trở lại câu chuyện những dự án tỷ USD, khi đề cập đến nội dung mà LĐTĐ từng nêu, trong lần trò chuyện với PV tại hành lang của dự án Hoabinh Green City, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường tỏ ra đồng tình và cho rằng: Việc các nhà đầu tư vào Việt Nam kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người lao động là chuyện mừng, nhưng thử hỏi trong số hàng tỷ USD xuất khẩu đó chúng ta được những gì? Thuế đất, thuế thu nhập DN thì miễn hoặc giảm trong nhiều năm?
 

Chiếu theo lịch sử, nếu xét trên bình diện toàn cầu, chúng ta là một trong những dân tộc vĩ đại. Vì chính chúng ta là dân tộc duy nhất đã đánh đổ đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ là đội quân Nguyên Mông; bước sang thời hiện đại chính chúng ta cũng là dân tộc đánh đổ được hai cường quốc sừng sỏ nhất thế giới: Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, thời hiện tại khi mọi yếu tố đều thuận lợi hơn, thì nền kinh tế nước ta vẫn chưa bắt kịp với những quốc gia có mặt bằng chung như chúng ta 40 – 50 về trước. Đặc biệt, tại sao người Nhật, người Hàn... đội ngũ doanh nhân nước họ đã tạo dựng ra những thương hiệu mang tầm toàn cầu góp phần đưa kinh tế nước họ phát triển nhanh, thì đội ngũ doanh nhân của ta chưa làm được?

Đến câu chuyện doanh nhân trong nước

Liên quan đến chính sách Người Việt dùng hàng Việt, vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty lớn đã đứng ra ký kết bản ghi nhớ về sử dụng sản phẩm của nhau để kích cầu tiêu thụ sản phẩm, thì nay đến lượt một DN Việt trao miễn phí cả 25 ngàn m2 ở một trung tâm thương mại lớn cho các DN Việt bán hàng.

Nói với PV ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình, chủ đầu tư dự án Hoabinh Green City (Minh Khai, Hai Bà Trưng) cho rằng, mục đích mà dự án dành cả 5 tầng của khu trung tâm thương mại với tổng diện tích lên tới 25 ngàn m2 cho DN bán hàng Việt mà không thu tiền thuê mặt bằng không phải là chơi ngông hay đánh bóng thương hiệu.

Đơn giản bản thân là thương binh từng vào sinh ra tử trên chiến trường, đến ngày hôm nay khi xây dựng được tên tuổi của mình trên thương trường... máu “sỹ” trong ông lại nổi lên. Ông nói rằng dẫu là toàn cầu hóa, song thời gian qua chúng ta đang chứng kiến cảnh nhiều trung tâm thương mại trong nước đã bị các nhà đầu tư nước ngoài tấn công. Nếu không tấn công về quản lý, điều hành thì tấn công bằng việc đưa hàng ngoại vào bán.

Doanh nghiệp trong nước đứng bên lề cuộc chơi. Ví như hệ thống Metro giờ đã vào tay người Thái là minh chứng. Thế nên, việc cho DN Việt (không cho DN nước ngoài) thuê miễn phí vĩnh viễn trên diện tích 25 ngàn m2 tại Trung tâm thương mại Hoabinh Green City là nhằm giúp DN Việt có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Mặt khác người tiêu dùng được đón nhận những sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng nhất và giá rẻ nhất. Lý do, công ty đã thuê tập đoàn  nổi tiếng CBRE quản lý trung tâm để kiểm soát sự hoạt động của các DN khi kinh doanh tại đây.

Đặc biệt, công ty sẽ giám sát rất chặt giá đầu vào cũng như chất lượng của những DN mà đã được công ty cho vào thuê tại trung tâm thương mại. Mục đích cuối cùng là làm thế nào để DN trong nước có điều kiện phát triển mà thôi.

Thực ra đưa câu chuyện ông Đường không phải để PR tên tuổi mà điều muốn nhấn mạnh rằng hiện nay đối với doanh nhân Việt, hàng hóa Việt đang đứng trước những mâu thuẫn nội tại. Cái sản xuất được thì có khi chưa tìm thấy “đất sống” ở thị trường trong nước; còn cái chúng ta cần thì DN chúng ta không làm nổi đành nhập từ nước ngoài về hoặc nhường sân cho các công ty nước ngoài vào thao túng. Đây là vấn đề không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách mà mỗi doanh nhân phải nghĩ suy.

Và mệnh lệnh của cuộc sống

Khi bài viết này lên khuôn, cũng là lúc vừa diễn ra cuộc họp lần thứ nhất Báo cáo Việt Nam năm 2030. Một thông điệp đáng để chúng ta quan tâm được phát đi từ các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nếu trong vòng 20 năm tới Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 5- 6% thì sẽ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Còn muốn được như Hàn Quốc bây giờ ít nhất mức tăng GDP phải trên 9%/năm. Để giải quyết bài toán này, Đảng, Chính phủ đã, đang có nhiều quyết sách để tháo nút thắt khơi thông đưa nền kinh tế phát triển. Tuy vậy, xét trên góc độ kinh tế, để 20 năm tới, Việt Nam thành một quốc gia phát triển điều quan trọng nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng rất nhiều lần đề cập là phải cải cách mạnh mẽ thể chế.

Trong đó phải giải phóng tất cả mọi rào cản để khuyến khích đội ngũ doanh nhân phát triển. Doanh nghiệp là chủ thể nền kinh tế, doanh nghiệp mạnh nước mới thịnh. Tất nhiên, sẽ không bao giờ mạnh đúng nghĩa nếu 10- 20 năm tới, ở những lĩnh vực, phân ngành kinh tế quan trọng đa số chúng ta chỉ gia công cho đối tác nước ngoài, hoặc quy hoạch đất đai làm khu công nghiệp cho các DN nước ngoài vào đầu tư để hưởng lợi thế công nhân giá rẻ, ưu đãi thuế quan mà không có những DN tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Made in Vietnam đích thực.

Bởi thế, để đất nước thực sự phát triển điều cần làm là phải đưa hàng Việt thực sự tỏa sáng. Tỏa sáng không chỉ dừng lại ở việc Mặt trận Tổ quốc phát động chiến dịch người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà quan trọng hơn phải có những chính sách vĩ mô mang tầm chiến lược để cộng đồng DN phát huy hết những tài năng, sức sáng tạo cho ra đời những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của chúng ta một cách hoàn chỉnh, có thương hiệu, chất lượng cạnh tranh bình đẳng ở tầm khu vực và toàn cầu. Một khi sản phẩm Việt do người Việt làm ra có chỗ đứng đồng nghĩa với việc người lao động có việc làm, có thu nhập, nguồn thuế nhà nước dồi dào, các chi tiêu công, phúc lợi xã hội được nâng lên, đất nước sẽ trở nên thịnh cường.

Lê Hà
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này