Gian nan việc xử lý ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội

10:04 | 11/09/2014
LĐTĐ -Ô nhiễm môi trường tai các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã tới mức báo động, ý thức về sản xuất và môi trường của người dân tại các làng nghề chưa cao, còn các cấp vẫn lúng túng với giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Như vậy, rất nhiều làng nghề trong tổng số 1.350 làng nghề của Hà Nội sẽ còn phải đối mặt lâu dài với nhiều nguồn thải độc hại.

Ô nhiễm nước thải, không khí… là cảnh thường thấy tại các làng nghề.

Những làng nghề trong vùng báo động

Xã Tân Triều, Thanh Trì có 2 làng, làng Triều Khúc và làng Yên Xá, trong đó, làng Triều Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Theo thống kê của UBND xã Tân Triều, tính đến cuối năm 2013, toàn xã có 201 cơ sở sản xuất thuộc 8 ngành nghề khác nhau, gồm: Thu mua phế liệu, sơ chế lông vũ, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng. Trong đó, nhiều nhất vẫn là nghề xay xát và tái chế nhựa.

Năm 2010, huyện Thanh Trì đã thành lập cụm công nghiệp làng nghề xã Tân Triều nhằm chuyển các hộ làm nghề tại Triều Khúc và Yên Xá ra khỏi khu dân cư. Nghịch lý ở chỗ, sau 4 năm triển khai, tới nay số lượng hộ dân làm nghề tại Tân Triều ra cụm công nghiệp rất ít và hiện diện tại cụm công nghiệp đa số là các công ty, xưởng sản xuất từ địa phương khác chuyển đến. Điều này dẫn đến thực trạng oái oăm là trong khi các hộ dân không thể chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm tại khu vực dân cư thì bản thân cụm công nghiệp cũng gây ra những bức xúc cho người dân về ô nhiễm.

Tương tự huyện Thanh Trì, huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong  số đó có 3 làng chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Đặc thù của các làng nghề này là chế biến tinh bột nên lượng nước thải rất lớn tới 3.155.000m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước mặt có màu đen xám, cao hơn mức độ màu trung bình 2,12 lần, hàm lượng chất ô nhiễm cao Coliform (một nhóm vi khuẩn rất phổ biến) cao hơn vài nghìn lần so với mức trung bình, lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần…

Theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tại làng nghề bún Phú Đô, cứ trong 10.200 tấn sản phẩm mỗi năm đã thải các chất ô nhiễm 76,9 tấn COD; 53,14 tấn BOD5; 9,38 tấn SS gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Đặc biệt là mới đây, tại xã Phương Tú, Liên Bạt (Ứng Hòa), nước thải từ làng nghề chưa qua xử lý xả xuống kênh mương, thâm nhập vào các ao nuôi trồng thủy sản của người dân khiến cá chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Còn tại xã Văn Võ (Chương Mỹ), cuộc sống của người dân bị đảo lộn do hứng chịu nước thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản của huyện Hoài Đức, Quốc Oai chứa nhiều tạp chất chưa qua xử lý xả xuống sông Đáy.

Việc hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động đã ảnh hưởng đến sức khỏe như các bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da, mắt chiếm hơn 30%, bệnh hô hấp 20% và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi họng, thần kinh...

Theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, chiếm 58,8% số làng toàn thành phố, giải quyết việc làm cho gần 740 nghìn lao động, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ... ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề thời gian gần đây ngày một gia tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống của cả cộng đồng.

Nhọc nhằn giải pháp

Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc thì nhiều chương trình, dự án nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn lại không phát huy hiệu quả. Cụ thể, từ năm 1995-2001, huyện Hoài Đức đã đầu tư xây dựng công trình sản xuất phân hữu cơ từ bã sắn, đót và xử lý nước thải ở xã Dương Liễu trị giá gần 5 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả. Mặt khác, công ty này cũng không tìm ra được thị trường cho sản phẩm phân bón hữu cơ nên sản xuất bị đình đốn. Ngoài dự án trên, năm 2002, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), xã Minh Khai cũng hoàn thành công trình xử lý nước thải với công suất 120m3/ngày với tổng số tiền đầu tư 100 triệu đồng. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, công trình đã phải “đắp chiếu” do đặt sai vị trí.

Nhằm khắc phục bất cập trong công tác quản lý, phát triển làng nghề, đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Công thương đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn Hà Nộị với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 – 2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Như vậy, để giải quyết triệt đổ ô nhiễm tại 1.350 làng nghề sẽ phải đòi hỏi số tiền không hề nhỏ. Nếu tính bình quân trong 10 năm thành phố mới xử lý được môi trường từ 30 đến 50 làng nghề thì với trên một nghìn làng nghề có lẽ phải đợi đến thế kỉ 22 chúng ta mới xử lý dứt điểm ô nhiễm.

Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí nhà nước, Thành phố cũng khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, cùng với đó là khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn. Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả rác ở vùng II (khu vực phía nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ thải rác ở vùng III (khu vực phía tây) và khu vực ngoài thị xã Sơn Tây.

Nguyễn Gia

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này