Đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại: Chỉ còn cách nâng cao chất lượng

10:13 | 17/10/2017
Sau cá tra và tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá, thì mới đây pin năng lượng mặt trời lại đứng trước nguy cơ phòng vệ thương mại (PVTM) từ Hoa Kỳ. Trước đó, một số quốc gia cũng làm vậy với không ít sản phẩm của Việt Nam. Vấn đề đặt ra chúng ta phải giải bài toán này ra sao?
doi mat voi cac bien phap phong ve thuong mai chi con cach nang cao chat luong Chỉ 20% doanh nghiệp trong nước biết về Luật Cạnh tranh

Các nước gia tăng phòng vệ thương mại

Theo Bộ Công Thương, việc Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã biểu quyết về vấn đề thiệt hại trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu. Theo đó, cả 4 ủy viên của ban này đã bỏ phiếu biểu quyết và đều cho rằng ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ chịu thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra.

doi mat voi cac bien phap phong ve thuong mai chi con cach nang cao chat luong
Nâng cao chất lượng sản phẩm là biện pháp tốt nhất đối phó với các biện pháp PVTM. Ảnh Đỗ Đạt

Do đó, USITC đã quyết định sẽ tiến hành áp dụng biện pháp tự vệ bằng phiên điều trần công khai. Dẫu chưa biết phiên điều trần sẽ mang đến kết quả như thế nào, song theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), rất có khả năng sau khi phiên điều trần diễn ra, sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam sẽ bị phía Hoa Kỳ sử dụng biện pháp tự vệ. Điều quan trọng mức áp thuế và thời gian áp dụng biện pháp phòng vệ bao lâu.

Không riêng gì Hoa Kỳ, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, thiệt hại rõ nhất từ các rào cản PVTM đối với sản phẩm của Việt Nam là từ thị trường Indonesia với sản phẩm thép. Mặt hàng này mới được phía Indonesia gỡ bỏ sau 4 năm áp dụng biện pháp PVTM. Tuy nhiên, việc bị Indonesia áp biện pháp PVTM với thép, khiến cho DN Việt bị thiệt hại quá lớn. Cụ thể, trước đây giá trị xuất khẩu thép sang Indonesia lên tới 200 triệu USD, giờ đây lượng xuất khẩu chỉ đạt 20 triệu USD. Ông Nam cũng thông báo, Cục Phòng vệ thương mại đã báo cáo và lên kế hoạch để kiện phía Indonesia, đòi bồi thường thiệt hại khoảng 145 triệu USD.

Nâng cao chất lượng là yếu tố sống còn

Trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng gia tăng các biện pháp PVTM đối với sản phẩm từ Việt Nam thì một thực trạng mới, đang khiến các doanh nghiệp Việt cũng như người tiêu dùng Việt lo lắng đó là, tình hình nhập siêu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ…ngày một tăng. Đặc biệt, rất nhiều mặt hàng tiêu dùng, nông sản Việt Nam có thế mạnh và sản xuất được trong nước cũng bị các sản phẩm từ các nước trên cạnh tranh gay gắt.

Cụ thể, trong năm 2015 – 2016, có thời điểm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam có giá bán chưa tới 20.000 đồng/1kg, trong khi đó giá bán sản phẩm thịt gà trong nước lại cao hơn từ 30 – 50% so với thịt gà nhập từ Mỹ. Thời điểm này, nhiều DN chăn nuôi trong nước đã lên tiếng về việc Bộ NN&PTNT, cũng như Bộ Công Thương cần lập rào cản thương mại bảo vệ thịt gà trong nước. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã trở lại bình thường.

Gần đây nhất, theo số liệu từ Bộ Công Thương, chỉ 8 tháng đầu năm 2017 kim ngạch nhập khẩu nông sản của Việt Nam từ Thái Lan đã tăng nhanh chóng, khiến Bộ Công Thương phải tổ chức họp gấp tìm phương án giải quyết. Trước sự ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam từ nông sản Thái Lan, nhiều DN sản xuất và xuất khẩu nông sản trong nước đã lên tiếng và yêu cầu lập rào cản thương mai. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc nhập siêu trong quá trình hội nhập là vấn đề bình thường. Nhưng, nếu sản phẩm nhập siêu ảnh hướng lớn đến sản phẩm trong nước, thì việc xử lý và áp dụng hàng rào kỹ thuật là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xem xét từ chính năng lực sản xuất, cũng như năng lực cạnh tranh của các DN trong nước, trước khi lập các rào cản thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, hàng rào kỹ thuật không phải là biện pháp để hạn chế hàng nhập khẩu từ Thái Lan, hay bất kỳ từ thị trường nào khác. Mà hàng rào kỹ thuật là để bắt buộc chúng ta nâng cao chất lượng hàng nội địa. Hàng rào kỹ thuật phải gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, chứ không phải dùng để quản lý sản phẩm. Về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để bảo vệ chính mình không có cách gì khác chính là việc nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Việt. Và không ở đâu xa, câu chuyện mới đây khi Úc chính thức gỡ bỏ hàng rào PVTM và không áp thuế chống phá giá với 2 sản phẩm là nhôm ép và thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Đề cập đến câu chuyện nhôm ép và thép mạ xuất khẩu vào Úc, luật sư Đinh Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trước các rào cản PVTM từ các nước nhập khẩu, trước hết các DN sản xuất trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuỗi liên kết…sau đó, khi bị lập các rào cản thương mại thì các DN cần xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc của nguyên đơn về các chương trình trợ cấp; từ đó có sự phối hợp chặt giữa các bộ, ngành, hiệp hội trong cung cấp thông tin và giải trình các chương trình bị cáo buộc cho cơ quan điều tra.

Cũng theo luật sư Tuyết, từ câu chuyện nhôm ép và thép mạ nhập khẩu vào Úc thấy rằng, khi các DN Việt làm ăn “tử tế” thì việc nước nhập khẩu lập rào cản thương mại, hay bất kỳ một biện pháp phòng vệ nào khác cũng không thể làm khó sản phẩm của chúng ta. Và ngược lại, khi sản phẩm trong nước bị sản phẩm nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, chúng ta cũng có quyền lập các rào cản thương mại nhưng với điều kiện, phải chứng minh được số liệu, quy trình chất lượng, thiệt hại…khi đó, các biện pháp PVTM mới thực sự đạt hiệu quả.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này