Cảnh giác tình trạng giả nhân viên tiếp thị để lừa đảo

15:25 | 17/10/2017
Dễ mua đồng phục, dễ lấy thông tin khách hàng, đôi khi từ việc lợi dụng lòng tin, lòng tham của nhiều người mà các đối tượng giả làm nhân viên tiếp thị để lừa đảo. Hiện tượng này diễn ra không chỉ gây bức xúc mà còn khiến dư luận hoang mang
canh giac tinh trang gia nhan vien tiep thi de lua dao Mạng ảo nhưng vẫn bị lừa mất tiền thật
canh giac tinh trang gia nhan vien tiep thi de lua dao Những trò lừa đảo trên mạng gây "náo loạn" thời gian qua
canh giac tinh trang gia nhan vien tiep thi de lua dao Xác minh, xử nghiêm việc lừa đảo nhắc nợ cước điện thoại cố định

Bà Nguyễn Hoàng Lan (Thanh Am, Thượng Thanh, Long Biên) cho biết: “Hôm trước, tôi được 2 người tự xưng là nhân viên giao hàng của Điện máy xanh chào bán mấy món đồ. Họ còn đưa cả thẻ nhân viên của siêu thị, cho xem từng loại mặt hàng. Khi tôi ngỏ ý muốn mua, họ ngã giá 5 triệu cho tất cả nhưng tôi trả 2 triệu họ cũng đồng ý bán. Tuy nhiên, khi nhờ người có kinh nghiệm kiểm tra, tất cả là hàng nhái, riêng chiếc bếp không thể sử dụng. Hỏi quanh nhà hàng xóm, nhiều nhà cũng gặp tình trạng bị mời chào tương tự”.

canh giac tinh trang gia nhan vien tiep thi de lua dao
Những sản phẩm chúng rao bán hầu hết là hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh Hồng Hải

Qua những vụ việc đã xảy ra cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường nhận làm nhân viên của một Siêu thị điện máy hoặc của hãng sản phẩm nổi tiếng. Chúng trang bị đầy đủ thẻ nhân viên, quần áo đồng phục, xe chở hàng, catalog quảng cáo… Khi tiếp cận người dân, các đối tượng thường viện lí do là hàng xuất dư, “mang về cũng bị thu lại nên bán rẻ cho người dân cho đỡ phí, vừa để lấy tiền nước, tiền thuốc đi đường”. Chính với lí do đó, chúng thường chào mời mua hàng với giá rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết.

Thông thường, chúng rao bán 2-3 mặt hàng cùng một lúc, tổng giá trị hàng hóa có thể lên tới hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi có người dân ham lợi, trả giá thấp hơn nhiều so với giá niêm yết chúng vẫn đồng ý bán. Chính từ tâm lý mua được giá hời, đồ tốt, người dân mắc bẫy của những kẻ lừa đảo lúc nào không hay. Khi người mua về sử dụng hoặc khi kiểm tra kỹ mới phát hiện ra là hàng giả, hàng bị hỏng không thể sử dụng.

Đó mới chỉ là những chiêu trò đánh vào lòng tham con người để lừa đảo trắng trợn, trên thực tế, có những người không tham nhưng vẫn bị chúng lừa một cách tinh vi. Với những trường hợp này, chúng có sự chuẩn bị kỹ càng, lợi dụng nhu cầu khách hàng trà trộn hàng kém chất lượng, chính vì vậy, không dễ để người bị hại có thể phát hiện. Như với trường hợp của chị T.K.T (Mỗ Lao, Hà Đông) chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng máy lọc nước Kangaroo đến kỳ hạn thay lõi lọc.

Hôm đó, có người nhận làm nhân viên của hãng đến thay lõi lọc định kỳ cho nhà tôi. Nhân viên đó mặc áo đồng phục của hãng, sử dụng lõi thương hiệu Kangaroo. Tuy nhiên, khi xuất trình hóa đơn mua bán lại không phải của hãng tôi sử dụng, sinh nghi nên tôi liên lạc với tổng đài của Kangaroo. Sau đó được nhân viên của hãng về kiểm tra, tôi mới biết 3/8 lõi lọc tôi thay là hàng giả”.

Với việc dễ dàng mua được quần áo đồng phục của các thương hiệu cũng như việc mua bán thông tin khách hàng công khai như hiện nay, việc lừa đảo tinh vi như vậy không phải hiếm. Trao đổi với đại diện Công ty Điện máy Việt – Úc (Kangaroo), trường hợp chị T.K.T không phải là khách hàng duy nhất bị lừa.

Còn với đại diện của Siêu thị Điện máy xanh, qua trao đổi, PV được biết, nhân viên giao hàng của Siêu thị khi giao hàng dựa trên đơn hàng của khách chứ không có trường hợp tự mang hàng đi giao. Đặc biệt, Điện máy xanh không bao giờ có tình trạng phát thừa hàng để nhân viên có thể bán ngoài. Ngoài ra, nhân viên giao hàng sẽ được mặc đồng phục của siêu thị, xe tải hoặc xe máy vận chuyển cũng có logo của siêu thị. Cho nên, những trường hợp trên là giả danh để lừa đảo người tiêu dùng.

Giả danh là một chuyện, chất lượng không đảm bảo của những sản phẩm này còn là điều đáng bàn. Chia sẻ về vấn đề này, chị Đào Thị Thanh (Đại lý Điện tử - Điện Lạnh Thanh Sâm – 12 Ngô Gia Tự, Long Biên) khẳng định: “Tất cả những sản phẩm trên đều là hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo quy luật, nếu giá trị sản phẩm trên 12 triệu đồng, họ có thể mang bán rẻ cho chủ cửa hàng bán đồ gia dụng với giá cao hơn nhiều so với việc bán giá rẻ cho người dân.

Nhưng những người lừa đảo không dám mang ra các đại lý, cửa hàng vì dễ bị bóc mẽ chiêu trò. Những sản phẩm này có chất lượng rất kém, ví dụ như nồi cơm điện, người dân chỉ cần dùng một thời gian ngắn nồi đã bị bong tróc mảng chống dính. Riêng với bếp gas càng nguy hiểm hơn, vì những bộ phận quan trọng như thiết bị ngắt gas tự động, bộ cảm ứng nhiệt đều được lắp đặt cẩu thả. Có thể nói, việc dùng đồ kém chất lượng, nhất là với bếp gas thì hậu quả khôn lường”.

Có thể đánh giá, phần lớn các đối tượng lừa đảo thường đánh vào những sản phẩm có giá trị thấp, không gây nguy hại ngay. Chính vì vậy, khi phát hiện ra sự việc, chúng cũng chỉ bị xử phạt hành chính chứ không bị xử lý hình sự. Trao đổi với Luật sư Lê Hải Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội), Luật sư cho rằng người dân cần tỉnh táo trước những chương trình khuyến mãi từ “trên trời” bởi đây là những thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên dùng để lừa gạt khách hàng. Nếu dính bẫy, người bị hại gặp rất nhiều khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này