Hà Nội

Tiên phong xây dựng thành phố thông minh

13:41 | 10/10/2017
Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho người dân, xuất phát từ yêu cầu thực tế, Thành phố tập trung ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong các lĩnh vực: Chính phủ điện tử, giao thông, giáo dục, y tế và môi trường  để tạo động lực xây dựng thành phố thông minh.
tien phong xay dung thanh pho thong minh Những hình ảnh độc quý giá về thủ đô Hà Nội ngày giải phóng 10.10
tien phong xay dung thanh pho thong minh Hà Nội sắp có đường trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long
tien phong xay dung thanh pho thong minh Hà Nội tưng bừng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô

Ưu tiên 4 hệ thống thông minh

Những năm qua Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống. Đến nay, Thành phố đang dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng giao tiếp điện tử Thành phố. Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin cũng đã bước đầu được triển khai Hà Nội. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đến tất cả các Sở, ngành, UBND quận/huyện và 584 xã/phường/thị trấn và Thành phố cũng đang từng bước khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân và tổ chức, ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực hướng tới xây dựng Thành phố thông minh.

tien phong xay dung thanh pho thong minh
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành công mức độ 3 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Công.

Theo bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (Sở TT&TT), mỗi địa phương sẽ có cách tiếp cận khác nhau khi triển khai xây dựng thành phố thông minh. Quan điểm của Hà Nội là tập trung vào những cái đang cần cho người dân. “Nghĩa là, chúng ta đánh giá chính quyền thông qua việc đo mức độ hài lòng của người dân. Do đó cái gì người dân cần, Hà Nội đang yếu kém thì chúng tôi bắt đầu từ đó”- bà Tú chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT, có 4 hệ thống đang được Hà Nội lựa chọn tập trung triển khai đó là giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh. “Hai lĩnh vực giáo dục, y tế được làm tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Riêng với lĩnh vực giao thông, hiện nay giao thông Hà Nội đang gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập như: ùn tắc, số lượng phương tiện quá nhiều (thống kê cho thấy Hà Nội có trên 500.000 xe ô tô và hơn 1,7 triệu xe máy) trong khi đó cơ sở hạ tầng không đảm bảo… Vì vậy, xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội cũng là một vấn đề Thành phố lựa chọn tập trung triển khai”- bà Tú cho biết.

Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường công nghệ

Đến nay, sau nhiều nỗ lực, Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân và khai thác hiệu quả để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý. Thành phố từng bước khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

tien phong xay dung thanh pho thong minh
Bãi đỗ xe thông minh.Ảnh: Tuấn Dũng

Thành phố cũng đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt của một số dịch vụ công đạt kết quả cao: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt hơn 90%, đăng ký kinh doanh đạt hơn 70%, thuế đạt 97%. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2018, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 80%.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội hoàn thành cơ bản việc xây dựng chính quyền điện tử. Giao dịch với người dân và giao dịch trong cơ quan chính quyền đều thực hiện trên môi trường mạng, tạo thuận lợi cho mọi đối tượng. Đồng thời đặt ra mục tiêu sẽ có chính quyền điện tử tốt nhất trên cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực Đông - Nam Á. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành thành phố thông minh sau năm 2020.

Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Thành phố cũng luôn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức thông qua việc ký kết văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong và ngoài nước. Cụ thể, Hà Nội hợp tác Singapore trong các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý đô thị; phát triển cây xanh; xây dựng thành phố thông minh; đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng đã trao đổi, thống nhất ký biên bản ghi nhớ với Công ty Microsoft Việt Nam hợp tác về việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Ở trong nước, thành phố đã đề nghị bốn doanh nghiệp: Viettel, VNPT, FPT và Công ty Nhật Cường hợp tác cùng UBND Thành phố trong một số nội dung về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn.

Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu thế toàn cầu, với Thủ đô Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm. Trên thực tế, thành phố thông minh không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu. Hòa cùng với xu thế chung của thế giới, với một lộ trình rõ ràng, cùng những bước đi thận trọng, TP Hà Nội phấn đấu là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng thành phố thông minh, đóng góp tích cực và hiệu quả cho mô hình phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Ba giai đoạn phát triển TP Hà Nội thông minh

Giai đoạn 1 (đến năm 2020): Hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, gồm nền tảng cơ sở hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu...); các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, doanh nghiệp...); hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.

Giai đoạn 2 (2021-2025): Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh; người dân chủ động tham gia trong quản lý và xây dựng chính sách phát triển xã hội; thông tin, cơ sở dữ liệu trở thành nguồn lực cơ bản trong phát triển xã hội, hình thành nền kinh tế số.

Giai đoạn 3 (sau năm 2025): TP Hà Nội phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này