Mượn cái chết để nói về sự sống

18:25 | 05/10/2017
Nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Kể xong rồi đi” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, mới đây, Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với tiêu đề “Chiêm nghiệm về cái chết”.
muon cai chet de noi ve su song “Khi sự sống được chia sẻ”
muon cai chet de noi ve su song 1 phút vì sự sống của tê giác
muon cai chet de noi ve su song Người mẹ “nhường” sự sống cho con đã qua đời

Nhà văn Nguyễn Bình Phương là tác giả có một lượng độc giả yêu thích nhất định, luôn dõi theo và đón đọc tác phẩm mới của anh. Anh sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 4), hiện là Ðại tá - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đồng thời là Trưởng ban Công tác Văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhà văn Nguyễn Bình Phưong đã ấn hành một số tiểu thuyết (Vào cõi, Ngồi, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn, Mình và họ) và một số tập thơ (Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa), đồng thời đã đoạt một số giải thưởng văn học.

muon cai chet de noi ve su song
Các diễn giả: Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên và biên tập viên của Nhã Nam Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Ảnh: L.Q.V

“Kể xong rồi đi” viết về tuổi già của một Ðại tá (thực ra chỉ là Ðại úy) về hưu, qua lời kể/trò chuyện của một người cháu với con chó Phốc. Tác phẩm bắt đầu bằng sự việc ông Ðại tá bị đột quỵ, nằm viện, được đưa trở về nhà và đi tới cái chết. Chuyện kể về ông được mở rộng về những cái chết. Ở đó, các nhân vật chết theo nhiều cách khác nhau: Vì chiến tranh, thù hận, tai nạn, bất đắc kỳ tử… Không chỉ con người, mà cả chuyện về cái chết của các con vật.

Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, “Nhìn cuộc sống từ góc độ cái chết, cuốn tiểu thuyết trưng bày một bức tranh đầy đủ hơn về cõi nhân quần bề bộn, cho thấy cái chết ở gần ta hơn ta tưởng, tham dự vào bàn tiệc cuộc sống nhiều hơn ta nghĩ. Có thể tìm thấy trong đó nhiều chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt, ngẫu nhiên hay tất nhiên, nhưng tất cả đều cùng một điểm đến, và tất cả đều làm sáng rõ hơn dáng hình của cái chết: Vừa giản dị, vừa quyền lực, vừa kinh dị và lại vừa mang vẻ đẹp siêu phàm…”.

Dễ thấy, qua “Kể xong rồi đi” (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành), với lối viết tối giản và giọng văn man mác buồn, dẫn dụ độc giả, tác giả đã mượn cái chết để nói về sự sống, để bạn đọc có thể chiêm nghiệm nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống, rồi, tự xem lại cách sống của mình, để sống có trách nhiệm hơn với chính mình, với cộng đồng, để yêu thương cuộc sống này nhiều hơn…

Lê Quang Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này