Thu phí tác quyền âm nhạc phát trên tivi khách sạn: Đảm bảo dung hòa lợi ích hai bên

11:31 | 29/09/2017
Một lần nữa vấn đề tác quyền âm nhạc lại được làm nóng lên tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2017 tổ chức ngày 28/9. Dẫu chỉ là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, song qua những ý kiến của các chuyên gia gợi mở phần nào cho chúng ta về suy nghĩ, hành động liên quan tác quyền âm nhạc.
dam bao dung hoa loi ich hai ben Không đơn giản là “đếm đầu” tivi
dam bao dung hoa loi ich hai ben Loạn chuyện phí tác quyền âm nhạc

Cần sự đồng thuận

Vừa qua, dư luận xôn xao việc Trung tâm Bảo về quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (Trung tâm) sẽ tiếp tục triển khai phí tác quyền âm nhạc phát trên ti vi ở các khách sạn. Việc này vấp phản sự phản đối gay gắt từ Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng.

dam bao dung hoa loi ich hai ben
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2017. Ảnh: Phương Bùi.

Họ khẳng định, tất cả các khách sạn ở Đà Nẵng sẽ không đóng bất kỳ một đồng tiền phí tác quyền âm nhạc nào trên tivi trong khách sạn. Tuy nhiên, thực tế việc thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi ở các phòng khách sạn đã được triển khai từ lâu.

Ông Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm cho biết: “Chúng tôi đã triển khai ở các khách sạn lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong suốt 10 năm qua và thực hiện tương đối tốt. Năm 2016, ở TP Hồ Chí Minh thu được khoảng hơn 270 địa điểm còn Hà Nội là 140. Riêng TP Đà Nẵng thì chúng tôi mới triển khai từ tháng 5 năm nay”.

Tuy nhiên, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đều thống nhất không nộp phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn cho Trung tâm. Lý do đưa ra là họ đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí theo hợp đồng với truyền hình. Như vậy là khách sạn không có cớ gì để nộp thêm tiền tác quyền cho Trung tâm nữa, nếu không sẽ thành “phí chồng phí”.

Hơn nữa, Hiệp hội có ý kiến cho rằng Trung tâm phải chứng minh được việc khách sạn có sử dụng tác phẩm âm nhạc thì mới trả tiền. Trả lời về vấn đề “phí chồng phí”, ông Giang cho biết, luật đã được ban hành nhưng mỗi người sẽ hiểu theo cách khác nhau. Việc khách sạn trả tiền cho truyền hình là tiền truyền phát sóng chứ chưa có tiền bản quyền trong đó.

“Lấy ví dụ như bạn mua một cái đĩa, bạn mang về nhà nghe nhưng bạn vẫn phải trả tiền phí nghe ở nhà thì mới gọi là phí chồng phí. Còn bây giờ bạn dùng cái đĩa đấy để kinh doanh, bật cho mọi người nghe thì đây là việc kinh doanh nên phải thu tiền” – Ông Giang phân tích. Ông Giang khẳng định nhiệm vụ của trung tâm bảo vệ quyền tác giả là bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ nên sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền cho họ.

Thu phí một lần qua truyền hình

Tại Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc, ông Lim Won Son – Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc khẳng định, việc xây dựng hệ thống cơ chế pháp luật liên quan đến bản quyền, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống để nâng cao năng lực bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ phát triển từng giờ, từng phút, tác động rất nhiều đến vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ ở tư duy và chính sách mà các nhà quản lý áp dụng nhằm theo kịp thời đại.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Lim Won Son cũng cho biết, các nghệ sĩ cũng như những người biểu diễn có quyền yêu cầu thù lao đối với nhà sản xuất băng đĩa, bản ghi. Những nơi như siêu thị, sân vận động hay nơi công cộng mà có trình chiếu hoặc phát nhạc thì họ sẽ phải trả tiền.

Việc thu tiền tác quyền đã diễn ra vài chục năm và nhận thức của người dân về vấn đề này đã được nâng cao. Với trường hợp thu phí bản quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn, ông Lim Won Son cũng có những chia sẻ kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc: “Việc phát sóng tivi của các kênh truyền hình tại phòng khách sạn sẽ do bên truyền hình thu phí luôn và họ sẽ trả tiền đó cho hiệp hội để phân chia tiền bản quyền cho các nghệ sĩ có liên quan. Trong quy định chung, có quy định % trả cho người biểu diễn là 6%, tác giả 10%. Đối với đơn vị kinh doanh nhạc nguồn 44%. Còn lại 40% thuộc về nhà sản xuất”.

Ông Lim Won Son cũng cho biết, trường hợp tổ chức quyền tập thể và người sử dụng không thỏa thuận được mức phí, sẽ đề nghị lên Ủy ban Bản quyền tác giả của Hàn Quốc giải quyết. Ủy ban bản quyền sẽ họp, điều chỉnh giữa các bên liên quan. Nếu thỏa thuận vẫn không được xác lập, sẽ chuyển ra tòa án.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có cơ chế hòa giải giữa các bên với thời gian giải quyết nhanh, chi phí không nhiều, hiệu lực ngang với phán quyết của Tòa, dựa theo Luật của bản quyền. Mỗi vụ việc khi tiếp nhận đều có tổ hòa giải gồm chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực này, có thể là luật sư, thẩm phán. Loại hình hòa giải đang được áp dụng phổ biến tại Hàn Quốc có hiệu quả rất cao.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc khi áp dụng thu phí một lần qua truyền hình, ông Giang nhận định: “Thực ra nếu làm được như Hàn Quốc là điều rất mừng, vì đảm bảo minh bạch. Nhưng để mà kết hợp được thì là cả một quá trình không phải đơn giản mặc dù đó là một ý tưởng rất hay”.

Ông Lim Won Son cũng cho biết thêm: “Trước đây đơn vị sử dụng thường không muốn trả tiền, nhất là nhiều tiền nhưng hiện nay nhận thức về bản quyền đã được nâng cao nên chúng tôi cũng không gặp nhiều khó khăn lắm. Cần phải hiểu đây là công việc muốn thực hiện tốt thì phải mất nhiều thời gian và trước tiên phải ban hành một mức phí không cao quá để bên người sử dụng chấp nhận trả để hài hòa lợi ích hai bên”.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này