Tín dụng học sinh, sinh viên:

Hàng triệu học trò nghèo được chắp cánh ước mơ

11:04 | 28/09/2017
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH), sau 10 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đã giúp trên 3,5 triệu lượt em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước được vay vốn học tập, góp phần chắp cánh ước mơ học trò nghèo.
hang trieu hoc tro ngheo duoc chap canh uoc mo Cảm động thầy giáo đi xin quần áo cho học trò nghèo vùng cao
hang trieu hoc tro ngheo duoc chap canh uoc mo Thầy giáo trẻ hết lòng với học trò nghèo
hang trieu hoc tro ngheo duoc chap canh uoc mo Cô giáo giúp đỡ trò nghèo ăn ở trong suốt kỳ thi
hang trieu hoc tro ngheo duoc chap canh uoc mo Trao 1000 suất học bổng tiếp bước học trò nghèo tới trường

Từ một tỉnh điển hình

Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau 10 năm, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân hơn 407 tỷ đồng, với 15.828 hộ đang có dư nợ chương trình HSSV. Để đạt được kết quả trên, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai về tín dụng đối với HSSV tới các cấp chính quyền, các ban, ngành và các tổ chức chính trị- xã hội, cơ sở đào tạo; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu, rộng chủ trương, chính sách đến nhân dân.

Bên cạnh đó, thông qua đội ngũ cán bộ tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn để phổ biến trực tiếp tại các địa bàn dân cư; niêm yết công khai chủ trương, chính sách tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nhằm đưa chính sách này đến từng thôn xóm, từng hộ gia đình.

hang trieu hoc tro ngheo duoc chap canh uoc mo
Tín dụng HSSV đã giúp nhiều gia đình có tiền chu cấp cho con theo học đại học, cao đẳng.

Bài học cũng như phương châm đã được NHCSXH Hà Tĩnh thực hiện có hiệu quả là “Giao dịch tại xã, giải ngân tận hộ”. Theo đó, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cùng với các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công khai, dân chủ việc bình xét đối tượng vay; kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc để khắc phục, đồng thời triển khai kịp thời, nghiêm túc việc tổ chức thu lãi hàng tháng đối với các hộ gia đình tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn, nhằm tạo ý thức trả nợ dần cũng như giảm áp lực trả nợ cho người vay khi đến hạn.

Dẫn lời ông Nguyễn Thanh Long- Chủ tịch UBND xã Thạch Hội (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong báo cáo của NHCS cho hay: Các thủ tục để được vay vốn HSSV dù không phức tạp, nhưng với người nông dân thì phải hướng dẫn một cách tỉ mỉ, đặc biệt là với những hộ vay mới. Vì vậy, ngoài việc phổ biến chương trình này trong các cuộc họp thôn, họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể hướng dẫn Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp rà soát, chuẩn bị các thủ tục giúp các hộ vay để khi có nguồn vốn phân bổ là có thể giải ngân ngay.

Cách đây vừa tròn 10 năm, ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV. Quyết định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội. Sau 10 năm thực hiện, đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt hơn 15.993 tỷ đồng với trên 671.000 khách hàng còn dư nợ.

Đến cần xem xét mở rộng đối tượng cho vay

Với những kết quả đã đạt được trong 10 năm triển khai, chương trình tín dụng HSSV thực sự đã là “điểm tựa” để những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con mình theo đuổi con đường học tập, mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo NHCSXH Việt Nam, những năm gần đây, doanh số cho vay của chương trình này giảm dần, nhu cầu vay giảm mạnh. Đã thế, mức cho vay HSSV vẫn thấp so với nhu cầu.

Theo quy định, hiện nay mỗi HSSV đủ điều kiện được vay 1.500.000 đồng/tháng với lãi suất 0,55%/tháng trong khi mỗi tháng, 1 HSSV cần chi tiêu tối thiểu khoảng 4.000.000 đồng/ tháng cho các nhu cầu học tập và sinh hoạt. Việc hoàn chỉnh thủ tục để HSSV được vay vốn cũng còn một số vấn đề cần có sự vào cuộc hơn nữa của các trường.

Mẫu giấy xác nhận vay vốn mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, NHCSXH quy định rõ, thống nhất, nhưng nhiều trường vẫn làm sai, cấp chậm, khiến cho việc thực hiện hồ sơ vay vốn kéo dài, ngân hàng khó chủ động kế hoạch. Bên cạnh đó, một số nơi còn xác nhận chưa đúng thẩm quyền, thông tin trên mẫu còn để HSSV tự khai, thiếu tính chính xác hoặc khai không đầy đủ (thiếu mã trường, mã sinh viên, không xác định rõ thời gian kết thúc khoá học…) khiến cho việc khai báo thông tin HSSV tại ngân hàng rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục vay vốn, quản lý, thống kê số liệu, xác định kỳ hạn trả nợ…

Từ thực tế triển khai 10 năm qua cho thấy, để chương trình phát huy hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH để việc giải ngân cũng như thu nợ đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó Nhà nước, Chính phủ có thể xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình không quá khó khăn nhưng có từ 2-3 con đang đi học trở lên, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình giải tỏa được gánh nặng về tài chính, đồng thời tiếp tục nâng mức cho vay đối với chương trình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trang trải chi phí cho HSSV.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này