Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long: Phải thích ứng với biến đổi khí hậu

13:27 | 28/09/2017
Diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/9) tại Cần Thơ với sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các chuyên gia trong và ngoài nước, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được ví như “Hội nghị Diên Hồng” bàn về quyết sách phát triển bền vững thịnh vượng cho vùng đất này với tầm nhìn đến năm 2100 với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ.
phat trien dong bang song cuu long phai thich ung voi bien doi khi hau Thủ tướng thị sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long
phat trien dong bang song cuu long phai thich ung voi bien doi khi hau Khai mạc Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Do tính đặc thù của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, là một phần của lưu vực hạ lưu sông Mekong và lại nằm phía cuối nguồn, việc đưa ra bất kỳ quy hoạch nào cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng đều phải được đặt trong không gian phát triển tổng thể của cả lưu vực sông.

phat trien dong bang song cuu long phai thich ung voi bien doi khi hau
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hàng loạt những mục tiêu được đặt ra tại hội nghị quy mô lớn này là phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị (ngày 27/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các đại biểu thảo luận cần nói thẳng, nói thật, phản biện cả những giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với BĐKH phát triển bền vững thịnh vượng.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam.

Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước.

Phải đối mặt không ít thách thức, nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này, với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, tầm nhìn của Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL, nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo Thủ tướng một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, trên cơ sở đó cần có tầm nhìn để xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân.

Thứ hai là thay đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. “Lương thực không phải là chống đói mà lương thực là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh.Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng” – Thủ tướng nhấn mạnh. Thứ ba là quan điểm phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên...

Về đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%; thời gian tới Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng một tỷ USD. Từ nay đến năm 2020 giải ngân có hiệu quả 1 tỷ USD để làm một số công trình như: Cống sông Cái lớn - Cái bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng...

Thủ tướng cho biết, ngay trong tháng 9 này, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL. Vì thế, giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.

K.Thoa (tổng hợp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này