Kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố:

Các doanh nghiệp phải bắt tay nhau

10:08 | 26/09/2017
Thời gian qua, Hà Nội liên tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết cung cầu với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền. Tuy nhiên, để có sự phối hợp đồng bộ trong việc hình thành liên kết chuỗi, từ sản xuất, cung ứng tới tiêu thụ quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của các doanh nghiệp, các địa phương.
cac doanh nghiep phai bat tay nhau "Chồng chéo" kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề đau đầu của doanh nghiệp
cac doanh nghiep phai bat tay nhau 10 vấn đề đang khiến giới doanh nghiệp toàn cầu “mất ngủ”

Tạo đầu ra cho sản phẩm vùng miền

Theo Sở Công Thương Hà Nội, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người (tính cả khách vãng lai), Hà Nội không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn của cả nước mà còn có thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền. Tính riêng trong năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 504 nghìn tỉ đồng, tăng 8,8 %. Cũng theo Sở Công Thương, 9 tháng đầu năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa ước đạt tăng 7,6%, trong đó tổng mức bán lẻ ước tăng 7,3% so với cùng kỳ...

cac doanh nghiep phai bat tay nhau
Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình sản xuất, cung cấp hàng hóa sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn, trong những năm qua, thực hiện chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước kết nối cung, cầu và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…Hà Nội đã tổ chức được hơn 400 lượt doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; ký kết hơn 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế về khai thác đa dạng sản phẩm nông sản thực phẩm, thủy hải sản và các sản phẩm lợi thế từ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đồng thời, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho Thủ đô những mặt hàng chưa tự cung ứng đủ, góp phần bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức giao thương với các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Thái Bình, Hưng Yên, An Giang, Cà Mau, Sơn La…hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội còn hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn cũng như công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thuỷ sản của các tỉnh tiêu thụ trên địa bàn Thành phố và ngược lại theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, Hà Nội sẽ liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương.

Tại Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017, đánh giá về tiềm năng cũng như cơ hội của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng, nó không chỉ góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước; mà còn thúc đẩy việc hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của Hà Nội trong việc tìm đầu ra ổn định.

Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo kết nối, tiêu thụ các sản phẩm có thể mạnh và kênh phân phối tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố và các nước trong khu vực nói chung, đáp ứng nhu cầu còn thiếu về nguồn cung và góp phần bình ổn thị trường.

Chủ động xây dựng và triển khai sản xuất

Các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh tăng trưởng lưu chuyển hàng hoá trên thị trường, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thường xuyên của người dân và bình ổn thị trường của các địa phương, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu.

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước là hoạt động thường niên được Sở Công Thương Hà Nội và Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội tổ chức từ năm 2014 đến nay.

Sự kiện đã trở thành cơ hội xúc tiến thương mại có uy tín tại Hà Nội, thu hút đông đảo sự hưởng ứng của người dân, các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước. Năm nay, hội nghị được tổ chức với sự tham gia của 25 tỉnh thành trong cả nước cùng hơn 100 doanh nghiệp Hà Nội.

Tuy nhiên, việc kết nối giữa các cơ sở chế biến của địa phương vào hệ thống phân phối hiện đại của Hà Nội hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Trần Hanh – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Chế biến Chè Thái Nguyên, tại các tỉnh hiện nay còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hoa quả, sản phẩm cho bà con nông dân. Vì thế, khi cần nguồn hàng lớn đảm bảo chất lượng thì nhiều doanh nghiệp gặp khó, đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngoại tỉnh khó tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại của Hà Nội.

Cùng quan điểm, ông Sỹ Danh Phúc – Giám đốc siêu thị Fivimart cho biết thêm, hiện tại hệ thống siêu thị Fivimart có đến 90% sản phẩm có nguồn gốc trong nước; 80% sản phẩm tiêu chuẩn VietGap, 20% sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn…Vì thế, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình sản xuất, cung cấp hàng hóa sạch, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường Hà Nội. Ngược lại, Fivimart cũng sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa các tỉnh tiếp cận các kênh phân phối với điều kiện đáp ứng được về chất lượng, cũng như thủ tục giấy tờ cần thiết…

Bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc phát triển thị trường, cũng như việc tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại tại Hà Nội; để chương trình kết nối ngày càng hiệu quả, nhiều tỉnh, thành tham gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập, không chỉ các chuyên gia kinh tế mà đại diện của nhiều địa phương cũng đề nghị, cần thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, trao đổi hàng hóa giữa các cơ quan quản lý công thương. Qua đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại kết nối các nhà cung cấp với hệ thống phân phối.

Trước vấn đề này, đại diện Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa sản phẩm vào kênh phân phối, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và bình ổn thị trường.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này