Làm thế nào giảm thiểu kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ?

10:37 | 22/09/2017
Bên lề Hội nghị Sơ kết giai đoạn I thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tổ chức sáng 21/9 , PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương về  nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ và các cách phòng, tránh.
van la cau chuyen tu y di mua thuoc Chữa bệnh qua... mạng xã hội: Cẩn trọng!
van la cau chuyen tu y di mua thuoc Giá thuốc phi mã, kìm cương bằng cách nào?

PV: Xin ông cho biết về vai trò của thuốc kháng sinh, cũng như thực trạng kháng thuốc kháng sinh ở Bệnh viện Nhi Trung ương?

TS. Trần Minh Điển: Kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40 của thế kỷ trước là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Loại thuốc này giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như: Lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết…

van la cau chuyen tu y di mua thuoc
TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với phóng viên về thực trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ.

Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có khoảng 3.000 đến 4.000 em bé đến khám, bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 1.700 em. Trong đó, hầu hết là những bệnh nhi rất nặng, với hơn 100 ca phải thở máy, hơn 200 ca thở bình oxy, khoảng 80 bé phải đặt tĩnh mạch trung tâm. Ngoài ra, hầu hết các cháu bé đến viện Nhi Trung ương đều sử dụng 1 trong những dụng cụ, thiết bị y tế. Do đặc tính bệnh nhân nặng như vậy, lại được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước, nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao. Đáng lưu ý, trong một nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhi nhập viện, chúng tôi cấy phân và phát hiện có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc. Đây là tình trạng đáng báo động về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở trẻ em.

Vậy nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc kháng sinh là gì, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dấn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Song đối với trẻ em, nguy cơ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh càng cao và nguy hiểm hơn. Đơn cử như thói quen lâu nay nhiều phụ huynh tự ra các cửa hàng mua thuốc cho con mà không theo đơn của bác sĩ, trong khi thuốc kháng sinh điều trị lại không đúng bệnh, đúng liều lượng… Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến các bé bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

Theo ông, việc điều trị cho bệnh nhi bị kháng thuốc kháng sinh có khó khăn không?

Tình trạng kháng kháng sinh là vấn đề rất khó khăn vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi phải có sự phối hợp với nhau để đưa ra những phác đồ sử dụng kháng sinh hiệu quả nhất cho các bé. Ví dụ như sự kết hợp kháng sinh và theo dõi trong quá trình trị bệnh, xác định nồng độ kháng sinh ở trong máu của các em bé thì mới vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh.

Xin ông cho biết một số giải pháp để giúp các bệnh nhi nói riêng và các bệnh nhân có thể phòng ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiệu quả?

Để giảm bớt tình trạng có vi khuẩn kháng thuốc và sự lan truyền vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở trong bệnh viện thì vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn và chiến lược sử dụng kháng sinh hợp lý là hai vấn đề rất quan trọng. Phải phát hiện, sàng lọc, cách ly phù hợp nhân viên y tế cũng như người nhà người bệnh, phải tuân thủ chiến lược phòng ngừa trong tiếp xúc. Điều quan trọng nữa là vấn đề kiểm soát kháng sinh.

Muốn làm được điều này phải nâng cao nhận thức của mỗi một bác sĩ trong vấn đề sử dụng kháng sinh hợp lý. Cụ thể, việc kê đơn ngoại trú cũng như kê đơn nội trú và chiến lược sử dụng kháng sinh phải luôn phù hợp với những đặc điểm của vi khuẩn, vi sinh trong bệnh viện đó, khoa phòng đó. Đặc biệt, bệnh nhi 6 tháng một lần nên đi khám để có bảng thông báo về vi khuẩn, vi sinh để đưa ra chiến lược, xây dựng phác đồ hướng dẫn sử dụng kháng sinh phù hợp.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khó khăn thách thức trong quá trình hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đó là chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc người dân sử dụng kháng sinh giá rẻ, không kiểm soát được chất lượng làm giảm hiệu quả điều trị, ngày điều trị kéo dài cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Bên cạnh đó, quy định xử phạt nhà thuốc về mua và bán kháng sinh không đơn còn nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh kiến nghị cần xây dựng lộ trình đến năm 2020 không còn tình trạng bán kháng sinh không đơn.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này