Cổ phần hóa phải tính đến đặc thù ngành, nghề

15:53 | 22/09/2017
Dù mới cổ phần hóa được 2 tháng, song đến nay nội tại Hãng Phim truyện Việt Nam (Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam) đang gặp quá nhiều vấn đề..
co phan hoa phai tinh den su dac thu Xung quanh chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Bất đồng bài toán lợi ích

Giới nghệ sĩ, những người biên chế, gắn bó rất lâu với Hãng phim “vang bóng một thời” này liên tục phản ánh với công luận về những bức xúc liên quan đến câu chuyện cổ phần hóa. Bức xúc đến mức, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện phải tiến hành họp với các bên để lắng nghe và tìm cách giải quyết.

Như chúng ta đã biết, điện ảnh nói chung và Hãng phim Truyện Việt Nam thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Cũng như tất cả các lĩnh vực kinh tế, thực hiện theo tinh thần chung của Chính phủ là những loại hình doanh nghiệp, đơn vị thuộc sở hữu Nhà nước mà Nhà nước thấy không cần nắm giữ (100% vốn, hoặc cổ phần chi phối) thì phải tiến hành cổ phần hóa để đổi mới mô hình hoạt động.

co phan hoa phai tinh den su dac thu
Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Trên tinh thần đó, để “cởi trói’ cho Hãng Phim truyện Việt Nam, được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đã cho tiến hành cổ phần hóa hãng phim này. Kết quả, Tổng Công ty Vận tải Thủy trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng nắm 65% cổ phần.

Một lần nữa khẳng định, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước không ngoài mục đích nào hơn là để doanh nghiệp có điều kiện tự chủ tốt hơn để phát triển. Hãng Phim truyện Việt Nam sau bao năm sống trong bao cấp, cũng đến lúc phải khoác lên mình chiếc áo mới để bắt nhịp với xu hướng phát triển của thời đại. Với nguồn nhân lực dồi dào, Hãng không thể làm phim theo mô hình nhận đơn đặt hàng từ Nhà nước mãi. Muốn phát triển phải cổ phần hóa để tìm những nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, nhìn lại câu chuyện cổ phần hóa của Hãng phim này và đặc biệt là những bức xúc của các nghệ sĩ đang đặt ra một vấn đề cần phải rút kinh nghiệm ở cấp hoạch định chính sách (bộ, ngành), đó là cổ phần hóa phải tính đến đặc thù nghề nghiệp. Chẳng hạn cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, như đã đề cập ngoài tìm nhà đầu tư tiềm năng (xét góc độ tài chính), phải tính đến yếu tố kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đó.

Tổng Công ty Vận tải Thủy là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, chắc chắn một điều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh. Thậm chí, cứ cho rằng khi doanh nghiệp đã trở thành cổ đông chiến lược, thì ban lãnh đạo có quyền đi thuê tổng giám đốc và các lãnh đạo chủ chốt để điều hành. Nhưng chắc chắn một điều, vì là đặc thù nghề nghiệp nên bản thân công ty nắm giữ cổ phần chiến lược của hãng không hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cũng khó có thể dẫn dắt hãng phim đi tới đỉnh cao vinh quang.

Chẳng thế, mấy ngày qua khi dư luận đang có rất nhiều thông tin về sự bất bình của Hãng phim này, cùng quan điểm với phóng viên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng tại sao không chọn nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, văn hóa làm cổ đông của Hãng Phim truyện Việt Nam mà lại chọn một doanh nghiệp vận tải không thuộc chuyên ngành nắm giữ cổ phần chi phối? Và do đó, từ bài học này, quan điểm của PV cũng như một số chuyên gia kinh tế, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng phải quy định tính đặc thù của ngành, lĩnh vực để quy định những đối tác được quyền tham gia góp vốn, mua cổ phần chiến lược. Không nên cho những đơn vị khác lĩnh vực tham gia, nhất là phân ngành văn hóa.

Nhà đầu tư thực hiện không đúng cam kết: Sẽ xem xét lại

Liên quan đến bức xúc của cán bộ, công nhân viên (nghệ sĩ) tại Hãng Phim truyện Việt Nam về việc cổ phần hóa đơn vị này, sáng (21/9) Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi gặp gỡ với báo chí để thông tin một số nội dung.

co phan hoa phai tinh den su dac thu
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái

Theo thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, chiều ngày 20/9 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Thủy (nhà đầu tư chiến lược), đại diện lãnh đạo Hãng phim hiện nay và Ban Cổ phần hóa Hãng phim để lắng nghe ý kiến các bên. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ đã yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc trong đó có phân công cán bộ, người nào việc nấy rõ ràng. Đặc biệt, vấn đề sửa chữa, sắp xếp lại cơ sở vật chất cần làm luôn để ổn định nơi làm việc cho nghệ sĩ, cán bộ nhân viên. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết, Bộ trưởng đề nghị không được cho thuê mặt bằng ở hãng phim mà phải tập trung vào việc xây dựng hãng sao cho tốt, đảm bảo nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Về vấn đề lương, Bộ cũng yêu cầu trả lương tháng 7,8,9 đúng như quy định của nhà nước trước khi cổ phần, sau đó phải tính toán lại vấn đề lương theo Điều lệ công ty và theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến định hướng làm phim sắp tới, ông Ái cho biết nhà đầu tư chiến lược đã đồng ý và hứa sẽ đưa ra được những sản phẩm đầu tiên sau khi cổ phần hóa nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng phim. Đồng thời Bộ trưởng đề nghị 2 người đại diện phần vốn của Nhà nước cũng là người của hãng phim giám sát việc thực hiện chủ trương này. Bộ cũng đã yêu cầu nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, dân chủ trong cách quản trị của doanh nghiệp, lấy ý kiến của tập thể, cán bộ của cơ quan về vấn đề lương, phân công công việc... Trước câu hỏi nếu nhà đầu tư chiến lược này không thực hiện đúng cam kết cũng như làm ăn kém hiệu quả thì liệu chúng ta có xem xét lại quá trình cổ phần hóa này không? Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tất nhiên là có, nhưng cũng phải theo luật, đường hướng phát triển như thế nào phải làm đúng theo điều luật”.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thừa nhận, trước chủ trưởng cổ phần hóa của Nhà nước, Bộ đã trăn trở rất nhiều vì doanh nghiệp làm về văn hóa, nghệ thuật không hề đơn giản. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ mong mọi chuyện sẽ sớm đi vào quỹ đạo sau những lùm xùm không đáng có. Đồng thời, cũng mong muốn nghệ sĩ, nhân viên và nhà đầu tư đồng lòng giải quyết những khó khăn để giúp điện ảnh Việt phát triển.

Phương Bùi

H. Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này