Nặng tình những suất cơm từ thiện

10:22 | 16/10/2012
LĐTĐ - Nằm ẩn mình trong con ngõ nhỏ trên đường Trần Khát Chân, cứ mờ sáng là cánh cửa chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn) rộng mở, đón các phật tử tình nguyện đến chùa nấu cơm từ thiện.

Tình nguyện làm việc thiện

Từ sớm tinh mơ, trong ngôi chùa yên ắng, các phật tử, tình nguyện viên đang cùng nhau làm những công việc thầm lặng nhưng chứa đầy nhiệt huyết và tinh thần yêu thương chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với cộng đồng, với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi người một việc, người nhóm bếp, nhặt rau, thái thịt, vo gạo. Những câu chuyện đùa vui khiến buổi nấu cơm thêm rôm rả, người già, người trẻ tham gia nhiệt tình, coi như việc nhà mình.

5h 30 sáng, cơm lên khói. 6h, mẻ cơm đầu tiên đã ra lò. Những chậu cơm khói nghi ngút, dẻo thơm được xới vào những hộp nhỏ, dưới bếp, các món thức ăn cũng đã xong. Khoảng 7h 45, canh đã nguội được đóng vào các túi nilon. Mỗi suất cơm được đóng gói, sắp xếp ngay ngắn trên bàn. Các suất ăn do nhà chùa nấu ngon, sạch sẽ. Bởi thế mà cơm từ thiện của chùa luôn mong mỏi của không chỉ người nghèo ở Bệnh viện K bấy lâu nay.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn, cho biết: Để có 250 suất cơm và 500 suất cháo ở cả hai địa điểm của Bệnh viện K (một ở 43 Quán Sứ, Hà Nội và một ở Tam Hiệp, Thanh Trì), mỗi ngày nhà chùa phải dùng hơn 50kg gạo, 70 - 80kg rau củ và khoảng 15 kg thịt, trứng, đậu phụ... Từ năm 2006 đến nay, nhà chùa đã mang hàng vạn suất cơm, cháo từ thiện cho người bệnh nghèo. Đây là những bữa ăn hoàn toàn miễn phí, nhằm san sẻ những khó khăn mà các bệnh nhân đang phải đối mặt.

 Nhiều người đến chùa cúng lễ biết đến việc làm này cũng chở gạo, mang tiền góp sức cùng nhà chùa làm việc thiện. Trong đó, có các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên dành ngày nghỉ đến nấu cơm cùng các phật tử. Việc làm đó thật ý nghĩa trong cuộc tsống hôm nay.

Được tận mắt chứng kiến những việc thiện ở đây, tôi đã có cái nhìn khác về những suất cơm từ thiện. Từ nguyên vật liệu được đích thân sư thầy ra chợ chọn mua đồ tươi ngon, các công đoạn chế biến thức ăn, đến không gian nhà bếp đều rất sạch sẽ và gọn gàng. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, tổ trưởng tổ từ thiện cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện công việc này đều đặn gần 7 năm nay, nhiều nhà hảo tâm, kể cả các nhà báo đến thăm bếp ăn đều phải thốt lên, sạch quá. Nhà chùa có nội quy rất rõ ràng, từ việc phân công người làm đến những quy định vệ sinh, dinh dưỡng mỗi suất ăn. Nhờ thế mà các suất ăn của chùa không chỉ được người bệnh mong chờ, mà nhiều người nhà bệnh nhân cũng thích”.

8h30 sáng, chuyến cơm đầu tiên xuống Bệnh viện K2 (Tam Hiệp- Thanh Trì). Nơi có hàng trăm bệnh nhân nghèo nôn nóng chờ đợi niềm hạnh phúc được nhận các xuất ăn từ thiện của nhà chùa. Những bệnh nhân nghèo có phiếu cơm của chùa Linh Sơn (do bệnh viện phát) sẽ được phát trước. Sau phát cơm, những suất dôi ra sẽ được trao cho những trường hợp khác. 10h, xe ngược lên K1 ở Quán Sứ. 11h, khuôn viên bệnh viện đông nghịt bệnh nhân và người nhà đang chờ. Mặc dù mỗi suất ăn giá trị kinh tế không cao, nhưng nó được người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh hiểm nghèo đón nhận trân trọng.

Cuộc gặp gỡ của thiện tâm

Để bếp có thể đỏ lửa vào lúc 5 giờ sáng, các phật tử từ già đến trẻ tham gia công việc tình nguyện thường rời nhà và bắt đầu một ngày mới khi trời còn tối. Tất cả họ đến đây như một cái duyên với chùa, đã gắn bó với nhau như một gia đình và có chung suy nghĩ, làm việc thiện là niềm vui, người có công góp công, người có của góp của, tất cả vì người nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, cho biết: Việc làm này thu hút nhiều phật tử thập phương đến với chùa, trẻ có, già có, từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức đến các cụ về hưu…có người ở tận Mỹ Đình, Dịch Vọng bắt xe buýt từ sớm để đến chùa. Bà Trần Vân Hằng ở ngõ 281 Trần Khát Trân, năm nay 67 tuổi vẫn đều đặn 5h sáng hằng ngày đi bộ vào chùa. Bà Hằng cùng các phật tử có chung suy nghĩ: “Được làm việc thiện là niềm vui của tuổi già. Chúng tôi không có tiền thì chúng tôi góp công”.

Đặc biệt, cặp vợ chồng trẻ Lưu Anh (37 tuổi) và Diệu Hiền (31 tuổi) ở 922 Trương Định cùng nhau đến chùa làm việc thiện. Chồng thông cống rãnh, vợ chèo thuyền tôn ra giữa hồ trước chùa để cắt những lá sen úa, dọn dẹp mặt hồ. Anh Lưu Anh chia sẻ: Chúng tôi đến với chùa đã hơn 4 năm qua sự giới thiệu của ban bè. Sáng nào cũng vậy, cứ 5h sáng, khi hai đứa con gái (đứa lớn 9 tuổi, nhỏ 5 tuổi) vẫn còn say giấc thì hai vợ chồng đã lục đục ra khỏi nhà. Khi những suất cơm bắt đầu đến với những người nghèo, thì chúng tôi lại tất tả về nhà chuẩn bị công việc kinh doanh. “Từ ngày tham gia công việc thiện, vợ chồng mình thấy cuộc sống hanh thông, con cái ngoan ngoãn, học giỏi hơn”, chị Diệu Hiền nói.

“Tích ngọc, tích châu, tích bạc vàng của cải rồi cũng phải tiêu tan. Ai mà tích được nhiều nhân đức, ấy thế giàu sang”. Đó là lời Phật dạy. Nhà chùa muốn gửi thông điệp đến với mọi người về sự sẻ chia đau khổ, nâng đỡ người trong cơn hoạn nạn. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt - lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân.

Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này