Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt - May Việt Nam:

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

12:08 | 19/09/2017
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) lần thứ III (từ tháng 3/2014), quyền lợi của NLĐ  trong các doanh nghiệp tham gia ngành Dệt - May Việt Nam được nâng lên về nhiều mặt: việc làm ổn định, thu nhập tăng lên, lương thưởng Tết được đảm bảo, mức ăn giữa ca đều đạt và vượt so với quy định. Đặc biệt, không có đơn vị nào để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể. 
xay dung quan he lao dong hai hoa 60477 Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
xay dung quan he lao dong hai hoa 60477 Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Dệt May là ngành có lực lượng lao động đông nhất so với các ngành trên cả nước và cũng là ngành có tỷ lệ biến động lao động lớn. Quan hệ lao động ngành Dệt- May tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do thu nhập NLĐ chưa cao, điều kiện việc làm còn hạn chế, ý thức, tác phong công nghiệp của NLĐ phần lớn xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ, chưa đáp ứng yêu cầu…

xay dung quan he lao dong hai hoa 60477
Ký kết thỏa ước lao động tập thế ngành Dệt May lần thứ IV

Nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư, xác lập điều kiện khung để các đơn vị xây dựng TƯLĐTT cấp doanh nghiệp, hạn chế đình công, ngừng việc tập thể và giảm tỷ lệ biến động lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan liên quan chọn ngành Dệt -May để triển khai thí điểm TULĐTTcấp ngành.

Theo đó, TƯLĐTT ngành Dệt -May Việt Nam đã được Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt- May Việt Nam ký kết lần đầu tiên vào ngày 26/4/2010 với 69 đơn vị tham gia, đến tháng 3 năm 2014 đã được ký lần thứ III với sự tham gia của 100 đơn vị và trên 136.200 lao động. TƯLĐTT ngành Dệt May lần thứ III gồm 16 điều, tăng 01 điều so với thỏa ước ký lần II, trong đó một số nội dung vẫn giữ nguyên như TƯLĐTT ký lần II và một số nội dung đã được sửa đổi bổ sung.

Đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện TƯLĐTT ngành Dệt - May Việt Nam lần thứ III, ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt- May Việt Nam cho biết, các đơn vị tham gia TƯLĐTT Ngành đều đảm bảo đủ việc làm cho NLĐ với thu nhập bình quân khá. 100% các đơn vị đã xây dựng thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/NĐ-CP với số bậc từ 6-12 bậc, đảm bảo nguyên tắc phân biệt mức độ phức tạp công việc, điều kiện lao động, yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ..., từ 1-2 năm xét nâng bậc cho NLĐ một lần.

Về chế độ ăn giữa ca, 100% các đơn vị tham gia đều đạt và vượt so với mức ăn giữa ca quy định trong TƯLĐTT ngành. Phần lớn các đơn vị tự tổ chức bữa ăn ca, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.Một số đơn vị còn thực hiện bố trí ăn sáng cho NLĐ như TCty Dệt May Hòa Thọ, TCty Việt Thắng, May Bình Minh, Dệt Việt Phú...

Các đơn vị có bố trí ăn ca đêm với mức ăn cao hơn khoảng 20% trở lên so với mức ăn bình thường. Cùng đó, các đơn vị đều đảm bảo tiền thưởng nhân dịp lễ, tết (bình quân khoảng 2 triệu đồng/người) và tháng lương thứ 13 bình quân từ 1 - 2,5 tháng lương. Một số đơn vị đạt tháng lương thứ 13 năm 2016 ở mức cao (12-18 triệu đồng/ng) như TCty May Việt Tiến, TCty Việt Thắng, TCty May Hưng Yên, Cty May Tiên Hưng, TCty May Nhà Bè, TCty May Đồng Nai, Cty DM Huế, Sợi Phú Bài...

Cũng theo ông Lê Nho Thướng, với những kết quả đã đạt được trong TƯLĐTT Ngành lần thứ III, mới đây, Hiệp Hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt - May Việt Nam đã tiếp tục ký kết TƯLĐTT Ngành lần thứ IV với những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Có thể nói, việc ký kết TƯLĐTT Ngành Dệt - May thể hiện thiện chí và niềm tin của người sử dụng lao động và NLĐ trong việc cùng thực hiện tốt trách nhiệm của mình vì mục tiêu chung là xây dựng Ngành, xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững, đời sống NLĐ ngày càng được cải thiện”- ông Lê Nho Thướng khẳng định.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này