Doanh nghiệp làm rò rỉ thông tin cá nhân: Chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe

11:00 | 15/09/2017
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 8/2017, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận 28 đơn thư phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo.
che tai van chua du suc ran de Để tránh bị lộ thông tin cá nhân khi sử dụng Facebook
che tai van chua du suc ran de Cách phát hiện và xử lý khi tài khoản Facebook bị hack

Nhiều hình thức lừa đảo trên mạng vẫn diễn ra

Theo đó, phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng như họ tên, địa chỉ, hoạt động mua bán… làm căn cứ khiến người tiêu dùng tin tưởng vào những nội dung chào mời giao dịch, nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho các đối tượng lừa đảo những khoản tiền lớn từ 1-2 triệu cho đến vài chục triệu, thậm chí là 100 triệu đồng.

Phản ánh của nhiều người tiêu dùng cho hay, việc các đối tượng lừa đảo có được thông tin chính xác của người tiêu dùng đã cho thấy, việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng đã không được các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định pháp luật, dẫn tới việc rò rỉ thông tin để các đối tượng xấu lợi dụng khai thác, lừa đảo.

che tai van chua du suc ran de
Cần thực thi nghiêm các chế tài xử phạt khi phát hiện các hành vi vi phạm khi doanh nghiệp làm lộ thông tin người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ.

Chị Lê Hải Yến (ở KĐT Xa la, Hà Đông) cho biết, tháng trước chị nhận được rất nhiều cuộc điện thoại thông báo về việc trúng thưởng bộ sản phẩm gồm điện thoại, mỹ phẩm, sản phẩm giảm cân chất lượng cao…Người thông báo còn khẳng định, chương trình này đã được công nhận bởi một cơ quan có uy tín của Nhà nước như các bộ Công Thương, Tài chính...Để nhận những phần thưởng này, chị Yến được người thông báo yêu cầu nộp khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại tương ứng, cung cấp địa chỉ nhà để nhận sản phẩm.

“Không chỉ có các cuộc điện thoại lừa đảo, tôi và một số người còn nhận được tin nhắn lừa đảo qua mạng xã hội face book với các phần thưởng có giá trị cao như trúng xe máy SH, điện thoại Iphone. Điều khó hiểu là các thông tin cá nhân của tôi đều được người thông báo nói rất chính xác, chi tiết, phải chẳng các thông tin cá nhân của tôi đã bị các doanh nghiệp làm rò rỉ ra ngoài theo hình thức trao đổi nào đó?”- chị Yến bày tỏ.

Không chỉ có chị Yến, rất nhiều người tiêu dùng khác cũng tỏ ra bất ngờ với các cuộc điện thoại lạ khi họ cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản cá nhân của mình một cách chính xác, khiến người tiêu dùng cảm thấy lo lắng, bất an. Thậm chí, không ít người đã rơi vào bẫy của kẻ xấu, dẫn đến việc mất tiền, mất của.

Xuất phát từ thực tế này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhận định, nhiều người tiêu dùng không nắm được trách nhiệm theo quy định pháp luật mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện, dẫn tới, hiệu quả của việc giám sát và phát hiện hành vi vi phạm không được phát huy. Do đó, vấn đề bảo mật thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ kinh tế số càng cần có những giải pháp để đảm bảo thực thi.

Đâu là giải pháp?

Trước vấn đề này, các chuyên gia trong ngành Quản trị mạng cho rằng, hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật các thông tin cá nhân, đồng thời, nắm bắt các quy định pháp luật liên quan để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch.

Đề cập đến vấn đề trên, Luật sư Đào Đăng Sơn (LS. TP Hà Nội) cho rằng, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quy định thuộc nhóm quyền nhân thân được ghi nhận trong Bộ Luật Dân sự. Theo đó, các tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba và cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân…

“Theo Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định quyền của người tiêu dùng khi phát hiện thông tin cá nhân bị rò rỉ, theo đó họ có được yêu cầu tòa án buộc bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và các yêu cầu khác. Ở chế tài xử lý hành chính, nếu các cá nhân, doanh nghiệp làm lộ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng, thậm chí phạt tiền gấp đôi các mức tiền phạt đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng, thậm chí bị xử lý hình sự nếu sự việc đặc biệt nghiêm trọng”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù chế tài đã có, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào lớn bị xử lý về việc làm lộ thông tin khách hàng. Điều này cho thấy, các chế tài vẫn chưa đủ sức răn đe, chế tài xử phạt vẫn chưa thực sự được thực thi nghiêm túc và thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này