Có mã số BHXH: Người tham gia tự kiểm tra quá trình đóng-hưởng

11:56 | 14/09/2017
Từ 1/8/2017, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) triển khai cấp mới và cấp lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo mẫu mới. Theo đó, thông qua mã số BHXH được cấp, người tham gia có thể tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng - hưởng chế độ BHXH, BHYT của mình, góp phần ngăn ngừa tình  trạng lạm dụng quỹ.
nguoi tham gia tu kiem tra qua trinh dong huong Thực hiện bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên: Góp phần phát triển nguồn nhân lực
nguoi tham gia tu kiem tra qua trinh dong huong Cách đơn giản để biết công ty có đóng BHYT cho bạn hay không?

Ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam cho biết: Mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Mã số BHXH là dãy số tự nhiên bao gồm 10 chữ số (gồm 2 số đầu là mã tỉnh, 8 số tiếp theo là số tự nhiên) và là số sổ BHXH và là 10 số cuối thẻ BHYT.

nguoi tham gia tu kiem tra qua trinh dong huong
Thẻ BHYT sẽ được cấp theo mã số mới từ 1/8/2017.

Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ thay thế cụm từ “số sổ:” in trên bìa và tờ rời của sổ BHXH bằng cụm từ “mã số:”. Ví dụ: Bìa và tờ rời sổ BHXH trước đây in “Số sổ: 0118000001”, nay được in là “Mã số: 0118000001”. Thay thế từ “số:” in trên thẻ BHYT bằng cụm từ “mã số:” và thời hạn sử dụng thẻ BHYT: chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày.../.../....”.

Với sự thay đổi trên, theo BHXH Việt Nam không chỉ rút ngắn thời gian giao dịch mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia. Cụ thể, trường hợp có mã số BHXH, người tham gia chỉ cần cung cấp mã số BHXH, sẽ được hưởng các chế độ BHXH, BHYT thuận lợi trên phạm vi toàn quốc.

Trường hợp không nhớ, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý. Với trường hợp chưa có mã số BHXH, khi tham gia, người lao động sẽ kê khai lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS).

Sự thay đổi trên cũng tạo điều kiện thuận tiện hơn cho doanh nghiệp, đơn vị trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT; giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT. Đối với cơ quan BHXH, sẽ giúp quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia.

Đặc biệt, với những thay đổi trên sẽ giúp ngành BHXH cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH trong việc tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Cụ thể, về thủ tục, hồ sơ: Giảm từ 9 thủ tục xuống còn 5 thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, thẻ BHYT xuống còn 5 ngày.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Chữ, dữ liệu thẻ BHYT được quản lý tập trung và liên thông với dữ liệu thu. Vì vậy, các cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận thẻ BHYT của bệnh nhân đến khám bệnh thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để xác định giá trị sử dụng của thẻ BHYT.

Trên cơ sở kết quả tra cứu, cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện: Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp người tham gia BHYT đang đóng BHYT và thẻ BHYT còn giá trị sử dụng; không thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp người tham gia đã báo giảm đóng BHYT nhưng tại thời điểm khám chữa bệnh thẻ BHYT vẫn còn giá trị sử dụng.

Đại diện Ban Thu BHXH Việt Nam cũng cho biết: Đối với đơn vị chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT hết giá trị sử dụng. Khi người lao động phát sinh chi phí khám chữa bệnh trong thời hạn thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, đơn vị sử dụng lao động phải chi trả, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT.

Hiện, BHXH Việt Nam đang hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu đôn đốc, thông báo cho đơn vị sử dụng lao động sau 2 lần gửi thông báo mà đơn vị vẫn không nộp tiền thì mới thực hiện giảm giá trị sử dụng của thẻ BHYT.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này