Thực hiện bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên: Góp phần phát triển nguồn nhân lực

15:14 | 12/09/2017
“Là nhóm đối tượng được triển khai thực hiện từ những năm đầu, chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên ngày càng khẳng định là một định hướng quan trọng, đúng đắn, có tính chiến lược trong chăm lo, phát triển nguồn lực con người”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đã khẳng định như vậy khi thông tin về chính sách bảo hiểm y tế học sinh sinh viên.
gop phan phat trien nguon nhan luc Chỉ được thu phí bảo hiểm y tế một lần nếu học sinh tự nguyện
gop phan phat trien nguon nhan luc Điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn quốc lên trên 90%

- Thưa ông, nhiều phụ huynh học sinh cho rằng: Việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh, sinh viên (HSSV) là hoàn toàn tự nguyện, không phải bắt buộc? Ông có thể cho bạn đọc báo Lao động Thủ đô hiểu rõ hơn về điều này?

gop phan phat trien nguon nhan luc
Năm 2016, em Nguyễn Huy Khánh- SV Đại học Luật Hà Nội điều trị bệnh tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, được BHXH chi trả 1,6 tỷ đồng. Ảnh: BHXH Hà Nội

Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Luật BHYT điều chỉnh các mối quan hệ liên quan tới các chủ thể tham gia BHYT, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này.

Đối với nhóm đối tượng HSSV, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ 1/1/2010, HSSV trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.

Năm học 2017-2018: Thực hiện cấp thẻ BHYT HSSV qua hình thức giao dịch hồ sơ điện tử

Ngày 25/7/2017, BHXH TP Hà Nội đã có Công văn 1820/BHXH-QLT chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã trực thuộc và hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn sớm triển khai thực hiện BHYT HSSV năm học 2017-2018. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về mức đóng, phương thức đóng, thời hạn sử dụng thẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và mức thù lao thu BHYT HSSV…

BHXH TP yêu cầu trong quá trình thực hiện phải linh hoạt về phương thức thu để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học.

BHXH TP đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đẩy mạnh nhận thức của cán bộ, giáo viên và HSSV về chính sách, pháp luật BHYT. Xác định việc thu BHYT HSSV là trách nhiệm của mỗi nhà trường; bảo đảm 100% HSSV tham gia BHYT. Phối hợp với cơ quan BHXH quận, huyện, thị xã, lập danh sách và vận động tham gia BHYT với HSSV chưa tham gia hoặc thẻ đã hết hạn sử dụng. Thực hiện cấp thẻ BHYT HSSV qua hình thức giao dịch hồ sơ điện tử.

Để bảo đảm phát hành thẻ BHYT cho HSSV đúng thời hạn, cơ sở giáo dục thực hiện lập danh sách và nộp tiền trước ngày 20/9/2017 để cấp thẻ có giá trị đến 31/12/2017; chuyển tiền và lập danh sách trước ngày 20/12/2017 để cấp thẻ có giá trị từ 1/1/2018 đến 31/12/2018.

Ngày 13/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Các điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi là quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV, tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.

Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân để mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT, đặc biệt là việc bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

Với nhóm đối tượng HSSV, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của HSSV.

Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm HSSV- thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.

Về quy định của Luật, theo Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (hỗ trợ từ 30% đến 100% mức đóng tùy thuộc nhóm đối tượng ưu tiên).

- BHYT HSSV gắn liền với công tác y tế học đường. Những năm qua, công tác y tế học đường, cũng như quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT đã được ngành thực hiện như thế nào, thưa ông?

Năm học 2016-2017, BHXH TP đã trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường học là 78 tỷ 780 triệu đồng. Qua đó, góp phần giúp hệ thống y tế trường học (YTTH) trên địa bàn được kiện toàn và phát triển với cách thức, quy trình phối hợp hoạt động chặt chẽ, năng lực cán bộ YTTH được nâng cao; điều kiện học tập và vệ sinh được cải thiện đáng kể; các loại dịch bệnh giảm nhiều và không có dịch lớn xảy ra; kiến thức phòng chống bệnh tật của học sinh được nâng cao…

Thông qua chăm sóc sức khỏe từ YTTH, HSSV không chỉ được chăm sóc sơ cứu ban đầu khi không may xảy ra các tai nạn tại trường học, mà thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu năm học, chương trình tầm soát các bệnh học đường, góp phần phát hiện sớm các bệnh lý ở các em, nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tật, giúp các em có đủ sức khỏe học tập và phát triển toàn diện trí lực và thể lực.

BHXH TP cũng chi trả không ít trường hợp HSSV bị tai nạn, ốm đau bất ngờ, bị mắc bệnh hiểm nghèo lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị bệnh. Như trường hợp của em Phạm Hoàng Minh (SN 2009) đang được điều trị tan máu bẩm sinh (thalassemia) tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Khi mới 1 tuổi, em đã phát căn bệnh quái ác, đe dọa tính mạng và phải nghỉ học từ năm lớp 2 để điều trị. Trung bình mỗi tháng, em phải đi truyền máu định kỳ một lần để giữ tính mạng, kèm theo thải sắt; mỗi đợt điều trị khoảng chục triệu, cũng có khi lên tới hàng trăm triệu.

Tháng 6/2017, nhờ có thẻ BHYT mà em đã được ghép tế bào gốc kịp thời, với số tiền BHYT chi trả hơn 300 triệu đồng, gấp hơn 600 lần so với số tiền mua thẻ BHYT chỉ có 491.400 đồng/năm. Hiện sức khỏe của em Minh đã dần cải thiện, không phải truyền máu như trước và có thể sớm đi học trở lại với các bạn.

Hay như trường hợp của em Nguyễn Huy Khánh- SV năm thứ ba Đại học Luật Hà Nội đang điều trị bệnh Hemophilia cả nội trú và ngoại trú từ năm 2010 tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khi không may mắc căn bệnh thiếu yếu tố 8 di truyền trong máu.

Mỗi tuần, Khánh phải tới viện từ 3-4 lần và hàng năm, chi phí điều trị của em có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, là trẻ mồ côi tại Làng trẻ SOS nên Khánh là đối tượng được bảo trợ xã hội và nhờ có thẻ BHYT, năm 2016, BHYT đã chi trả 100% chi phí điều trị cho em là 1,6 tỷ đồng.

- Năm 2017, để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT của Chính phủ đề ra, BHXH TP Hà Nội đã có kế hoạch và giải pháp triển khai ra sao, thưa ông?

Hà Nội hiện có 1.774.245 HSSV đang theo học tại 1.736 trường học. Đây là địa bàn triển khai công tác thu BHYT HSSV với quy mô lớn nhất trên cả nước. Nhằm hướng tới mục tiêu tăng số HSSV tham gia BHYT, BHXH TP đã tham mưu cho UBND TP ban hành Công văn số 5341/UBND-KGVX ngày 14/9/2016 chỉ đạo riêng về công tác BHYT HSSV; Kế hoạch số 186/KH-UBND của UBND TP Hà Nội triển khai Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Giáo dục- Đào tạo giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT HSSV với từng cơ sở giáo dục; phấn đấu đạt tỷ lệ tham gia 100%, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho HSSV về trách nhiệm tham gia BHYT theo Luật BHYT; tổ chức thu, cấp thẻ BHYT cho HSSV theo đúng quy định. Sở Y tế tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của UBND TP về y tế học đường; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.

Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; tại các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên, nhất là đoàn viên là HSSV tham gia BHYT...

Xin trân trọng cảm ơn ông

Bảo Duy (Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này