Muốn xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp triệt để:

Phải quy định rõ trách nhiệm!

12:11 | 12/09/2017
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động ổn định, nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý nước thải (XLNT) tập trung, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và tiền ngân sách chi ra sử dụng chưa hiệu quả.
phai quy dinh ro trach nhiem Nhiều bất cập trong xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp
phai quy dinh ro trach nhiem Doanh nghiệp xả thải sai quy định: Chế tài chưa đủ sức răn đe
phai quy dinh ro trach nhiem Tạo mọi điều kiện để đưa nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 107 CCN và tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 48 CCN với tổng diện tích trên 2 nghìn ha và có 684 doanh nghiệp đang vận hành sản xuất, kinh doanh. Trong số 48 CCN có 18 CCN đã lấp đầy 100% diện tích, 21 CCN đang xây dựng cơ sở hạ tầng, 9 CCN chưa triển khai xây dựng. Do chưa có quy hoạch cụ thể về quy mô, tính chất hoạt động của các CCN nên trong các CCN có nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau như: Gia công cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, giết mổ gia súc, gia cầm…

phai quy dinh ro trach nhiem
Mặc dù đã hoàn thành từ gần 10 năm nay nhưng trạm xử lý nước thải tập trung CCN Tân Triều, huyện Thanh Trì vẫn “đắp chiếu”.

Đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, công tác thu gom, xử lý chất thải công nghiệp tại các CCN còn nhiều bất cập tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Qua số liệu thống kê cho thấy, phần lớn các CCN không bố trí điểm tập kết chất thải tập trung nên việc quản lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh thường do các doanh nghiệp tự thu gom và xử lý nên nhiều khi không triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, việc xử lý còn nhiều bất cập, công nghệ xử lý không đồng bộ, một số chủ nguồn thải mặc dù đã nhận thức được tính nguy hại của chất thải nguy hại song khó khăn về nguồn vốn nên đã cắt giảm chi phí về môi trường dẫn đến chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất không được quản lý theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Hiện toàn TP Hà Nội có khoảng hơn 3.250 doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải nguy hại.

Hiệu quả đầu tư trạm xử lý nước thải chưa cao

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội vừa qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An cho biết: TP Hà Nội hiện có 43 CCN đã đi vào hoạt động ổn định thì trong đó 21 CCN có trạm xử lý nước thải (XLNT), với 9 CCN do chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và 12/15 CCN thuộc Đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các CCN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014-2015. Đối với 9 CCN đã đầu tư xây hệ thống XLNT, có 7 cụm đã có trạm XLNT hoạt động ổn định, song đều có công suất thực tế thấp hơn công suất thiết kế.

Còn lại 2 CCN, tiểu thủ công nghiệp có trạm XLNT nhưng không hoạt động là Tân Triều (huyện Thanh Trì) và Cụm tiểu thủ công nghiệp Duyên Thái (huyện Thường Tín). Với 15 CCN thuộc Đề án, vẫn còn 6 CCN đã có trạm XLNT nhưng chưa đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, còn 19 CCN chưa được thực hiện đầu tư xây dựng trạm, trong đó, 8 CCN không phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất, còn 11 CCN phù hợp quy hoạch nhưng quy mô nhỏ và với khối lượng nước thải nhỏ (20-220 m3/ngày đêm).

Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh - Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cho rằng, ở các CCN chưa có trạm XLNT còn có tính trạng chính quyền địa phương lúng túng trong việc thu phí đối với các hộ, mà nguyên nhân được đưa ra là do chưa có hướng dẫn của Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường. Như ở huyện Thanh Trì, mỗi năm thu được 200 triệu đồng nhưng thực tế chỉ chủ yếu thu từ CCN Ngọc Hồi, còn lại các khu, CCN khác thu không đáng kể. Chính việc thất thoát này đã thể hiện công tác quản lý không tốt, nên không kiểm soát được ô nhiễm môi trường. “Theo Nghị quyết của HĐND TP, hết năm 2017 TP phải đảm bảo tỷ lệ 55,8% các CCN có trạm XLNT đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, tại 2 trạm Ngọc Sơn (Chương Mỹ) và Phúc Thịnh (Sơn Tây) theo khảo sát thực tế, hiện tiến độ xây dựng gần như dậm chân tại chỗ. Việc tính toán thiết kế không phù hợp với thực tế dẫn đến kinh phí hỗ trợ của TP đối với những trạm này bị lãng phí, đồng vốn không được kiểm soát, ngân sách được sử dụng không hiệu quả. Chỉ còn 3 tháng nữa để TP hoàn thành kế hoạch kinh tế-xã hội 2017 vì vậy, các Sở Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường là những đơn vị được giao trách nhiệm cũng cần đôn đốc sát sao tiến độ triển khai này” – ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cần quy định rõ trách nhiệm

Trước thực tế này, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân yêu cầu tới đây, các sở, ngành tăng cường tham mưu cho UBND TP triển khai đồng bộ các giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường tại CCN, làng nghề.

Trong đó, Sở Công Thương sớm hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2020 xét đến 2030, làm cơ sở cho các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung. Đồng thời, các sở chuyên môn như Xây dựng; Tài nguyên - Môi trường sớm tham mưu cho Thành phố ban hành các chính sách liên quan đến vấn đề môi trường tại các CCN.

Theo các thành viên đoàn giám sát, bất cập nhất hiện nay là nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom XLNT tập trung (mới có 19 cụm, chiếm 44,2% trong số 43 CCN đang hoạt động ổn định trên toàn TP). TP đã có Đề án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT tập trung cho 19 CCN này giai đoạn 2016-2020, trong đó chuyển giao nhiệm vụ thực hiện từ Sở Công Thương về Sở Xây dựng từ giữa năm 2016, nhưng tiến độ đến nay còn chậm.

Đáng chú ý là trong các CCN đã được đầu tư trạm XLNT thì có 2 CCN Tân Triều và Duyên Thái đã có trạm XLNT từ lâu nhưng không hoạt động. 15 CCN có trạm XLNT hoạt động dưới công suất thiết kế, cho thấy công tác lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư trước đây có nhiều bất cập. Chính vì các trạm được tính toán thiết kế công suất không phù hợp thực tế dẫn đến giá thành xử lý cho 1m3 nước thải quá cao, nên rất nhiều doanh nghiệp trong các CCN đã có trạm XLNT không đấu nối đường xả thải của mình vào khu XLNT tập trung.

Bên cạnh đó, có 6 CCN đã được cơ bản hoàn thành đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động, theo các sở ngành là do nhiều nguyên nhân khách quan về nghiệm thu, thủ tục đấu nối… Riêng với 2 cụm Ngọc Sơn, Phú Thịnh đã được phê duyệt dự án từ năm 2014 nhưng giờ chưa xong. Đặc biệt, hiện trong 21 trạm XLNT đã hoàn thành thì mới có 12 trạm được cấp phép xả thải, trong đó 1 trạm đã hết hạn từ năm 2015. Trong 21 cụm này cũng mới có 6 cụm được đấu nối 100% vào hệ thống XLNT chung, còn lại chỉ đạt 40-70%.

Điều này có trách nhiệm trước hết của doanh nghiệp, song còn thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý là UBND huyện và các sở, ngành, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra, đôn đốc xử lý các doanh nghiệp trong thời gian qua. Ngoài ra, theo quy định, các doanh nghiệp trong CCN phải có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi vào hệ thống chung, nhưng thực tế hiện nay, công tác quản lý việc này rất kém, hầu như doanh nghiệp không có hệ thống này.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này