Mẹ tôi

10:56 | 08/09/2017
Xa cha từ năm 2 tuổi, hai chị em tôi theo mẹ xuôi ra Bắc sống với bà ngoại. Bắt đầu chuỗi ngày sống thiếu cha, xa tình mẹ do cuộc sống nghèo khó, mẹ phải để chị em tôi ở nhà với bà ngoại mà đi xa làm ăn, nhặt nhạnh từng xu từng hào trang trải cho cuộc sống gia đình mẹ già con côi. Cái số mẹ tuổi Tỵ sao mà cơ cực đến thế. 
me toi Đường tình dài bao xa?
me toi Gia đình là tất cả - Câu chuyện nhân văn về tình cảm gia đình
me toi Gia đình 4 thế hệ, hơn 70 năm may cờ Tổ quốc
me toi Suýt “mất” chồng vì… ghen tuông vô lối

Những ngày sống cùng ngoại trong căn nhà ở nhờ của người bác ruột anh trai mẹ, ngoại thường kể về mẹ cho chị em tôi nghe: khổ thân cho mẹ tụi bay số khổ vẫn hoàn khổ, từ bé đến lớn ngay cả khi lấy chồng rồi mà vẫn chưa được yên bề, vẫn long đong lận đận. Ngoại kể, hồi nhỏ mẹ chăm làm lắm.

Nhà hết thảy có 8 người con cả trai cả gái, mẹ là con thứ7, trên có 5 anh trai, 1 chị gái, dưới mẹ tôi là dì. Ấy vậy mà tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ nhất ngoài ông bà ra đều tay mẹ tôi làm. Thương ông bà ngoại mẹ tôi cả tập cày bừa vì anh trai mẹ cũng chả ai chịu làm công việc nặng nhọc của nhà nông ấy cả.

Ngày chăn trâu, chăn vịt từ mờ sáng lại còn kèm theo chiếc giỏ, đôi quang, vài cái bao xác rắn để khi thả trâu, thả vịt còn tranh thủ xuống bãi bắt cáy, cắt cỏ rồi mót khoai mót sắn nữa. Tối lừa trâu, lừa vịt về tới nhà thì cũng vừa 7 ,8 giờ tối. Ăn vội bát cơm canh lạnh rồi lại lao vào đóng gạch.

me toi

Ngày ấy, vẫn còn nhà tranh vách đất, gia đình cả thảy 10 người chui ra chui vào căn nhà chật hẹp, nền đất, vách là bùn ao trộn rơm rạ chat vào vách nhà dựng bằng tre mà thành. Trời nắng còn cố chịu được chứ trời mưa thì rõ khổ, nền đất nhầy nhụa vì nước mưa, vách nhiều lỗ hổng mưa thì táp đủ mọi hướng.

Thương ông bà ngoại không biết đến bao giờ mới có được căn nhà xây mà ở, không lẽ ở như vậy cả đời sao? Mẹ suy nghĩ nhiều lắm. ở cái tuổi ấy cái tuổi ăn chưa no, lo chưa đến vậy mà mẹ tôi đã phải bươn chải lo toan đủ điều.

Rồi mẹ tự làm “hàng sáo” (mua thóc về làm gạo bán) ở đây là đong thóc chịu về làm gạo bán đi rồi lấy tiền đó trả, còn lại được lãi ở vài đồng cám. Tích cóp dần cũng đủ mua đôi tạ vôi (hồi ấy đôi tạ vôi cũng chỉ chưa bằng một bộ quần áo bình thường hiện giờ), còn cát thì ông và mẹ tự đào lấy ở trong vườn. Rồi tối tối dưới ánh sáng lờ mờ của ánh trăng mẹ nháo vữa (chỉ có cát và vôi), rồi đóng gạch, mỗi tối trăm viên. Chẳng mấy mà đủ số gạch để xây được căn nhà cấp 4.

Thế rồi mong ước ông bà có căn nhà tường xây (vẫn nền đất, lợp mái rạ) để ở của mẹ cũng thành hiện thực. Cố gắng học hết trung học (bằng cấp 3 bây giờ) mẹ quyết tâm kiếm tiền để đủ mua vé ô tô vô Nam lập nghiệp những mong thay đổi được cuộc sống hiện tại. Vào tới Nam rồi, nơi đất khách quê người lại bắt đầu những chuỗi ngày cố gắng, lo toan đến với mẹ. Khi ấy mẹ 15 tuổi. 4 năm sau mẹ gặp bố, em trai của người đã giúp đỡ mẹ, nuôi mẹ ăn học trong những tháng ngày học sư phạm, rồi xin cho mẹ về dạy tại trường mà người đó làm hiệu trưởng. Mẹ lấy bố cũng là để trả ơn sự giúp đỡ của anh trai bố.

Nhưng cuộc sống hôn nhân mà thiếu tình yêu thì khó hạnh phúc đã áp vào cuộc đời mẹ. Biết phận mình mẹ chẳng bao giờ to tiếng với bố mà chiều chuộng bố hết mực, đi dạy về là cơm nóng canh ngọt chờ sẵn (mặc dù mẹ và bố cùng đi dạy), quần là áo lượt cheo sẵn ở tủ… Dân gian nói “chiều lắm sinh hư” quả không sai. Lấy nhau được 1 năm khi có chị tôi thì bố đâm ra rượu chè cờ bạc, lao vào cuộc chơi đỏ đen không biết đâu là điểm dừng, bao tiền của bố đem nướng vào sòng bạc, mẹ khuyên can không được. Và cuộc sống cứ tiếp diễn trong buồn tủi, nhẫn nhịn.

Hai năm sau mẹ sinh tôi. Cuộc sống vui chưa thấy đâu mà bao lo toan lại đến oằn trên đôi vai mẹ. Tôi tự hỏi không biết có phải trời phú cho mẹ sức khỏe, sức chịu đựng bẩm sinh như vậy hay vì bản năng của một người mẹ, một người vợ mà mẹ có thể một mình vượt qua bao khó khăn chồng chất như vậy. Xa bố mẹ đẻ, không được nhờ vào chồng đã có lúc mẹ muốn bỏ bố đi cho rảnh, mẹ muốn buông xuôi nhưng vì chị em tôi mà mẹ không lỡ để con phải chịu tiếng không cha, mẹ lại nhẫn nhịn, lại chịu đựng tủi hờn, chịu đựng những trận đánh “5 ngày một trận nặng, 3 ngày một trận nhẹ”. Làm quần quật từ sáng tới tối, khuya mẹ lại miệt mài bên trang giáo án soạn bài giảng để lên lớp ngày mai sao cho tốt. Ấn tượng về mẹ với tôi khi ấy là khuôn mặt với đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì thiếu ngủ.

Bố tôi qua đời vì căn bệnh viêm màng não quái ác, để lại vợ và 2 đứa con nhỏ. Bên ngoại đánh điện tin khẩn vào ông ngoại cũng qua đời. Cùng một lúc mất đi 2 người thân mẹ dường như suy sụp hoàn toàn, những đêm dài mất ngủ đến với mẹ thường xuyên hơn. Đối với tôi bố mất đi là một sự giải thoát cho mẹ, nhưng với mẹ thì không phải vậy. Đó chính là lý do khiến mẹ phải ôm hai chị em tôi ngược ra Bắc. Ra bắc với hai bàn tay trắng, không công ăn việc làm, không nhà không cửa (ngôi nhà bà ngoại và mẹ con tôi đang ở vẫn là ở nhờ nhà bác anh trai mẹ) một chuỗi ngày đầy khó khăn lại trải dài thêm trước mắt, mẹ sẽ làm gì, bằng cách nào để nuôi mẹ già và 2 con nhỏ đây? Mẹ đành một lần nữa dứt áo ra đi để 2 con thơ ở nhà cho mẹ già chăm sóc ra Móng Cái buôn bán làm ăn dành dụm tiền gửi về nhà nuôi hai chị em tôi ăn học.

Bây giờ, hai chị em tôi đã trưởng thành và đều có hạnh phúc riêng, mỗi khi nhớ lại chặng đời mẹ đã trải qua tôi thật cảm phục và tự hào về mẹ. Cảm ơn mẹ! người mẹ thân yêu, vĩ đại của con.

Mai Khánh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này