Những ký ức về Bác trong Lễ tuyên ngôn Độc lập

08:48 | 02/09/2017
Đã hơn 60 năm đi qua, thế nhưng, trong sâu thẳm ký ức của doanh nhân Đỗ Thế Sử, hình ảnh của Bác trong ngày lễ Tuyên ngôn độc lập vẫn khiến ông như nghẹn lại mỗi khi nhắc đến.
nhung ky uc ve bac trong le tuyen ngon doc lap Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Hịch non sông đất nước
nhung ky uc ve bac trong le tuyen ngon doc lap Ngôi nhà bí mật nơi Bác Hồ nghỉ đầu tiên khi về Hà Nội năm 1945

Đi ngay bên cạnh Bác...

Sinh năm 1923, tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội, chàng trai Đỗ Thế Sử vinh dự trở thành sinh viên của ngôi trường mang tên người cán bộ cách mạng Hoàng Minh Giám. Tại đây, ông có cơ hội được tiếp cận với nhiều thông tin về các cuộc đấu tranh giành lại chính quyền và những công tác quan trọng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và Lễ 2/9.

nhung ky uc ve bac trong le tuyen ngon doc lap
Ông Đỗ Thế Sử xúc động kể lại về những ký ức trong ngày 2/9/1945.

Nhớ lại giây phút lịch sử ấy ông kể, khi đang học trường Hoàng Minh Giám ở Thăng Long, ông tham gia phong trào sinh viên biểu tình tại Nhà Hát Lớn và theo lệnh của lãnh đạo cách mạng đi cướp chính quyền. Không lâu sau chàng sinh viên Đỗ Thê Sử gia nhập vào đoàn người đầy ắp khí thế, ào ạt tỏa đi khắp các chốn ở Hà Nội để chuẩn bị tham gia cướp chính quyền.

Cuộc đấu tranh giành chính quyền thắng lợi, Đỗ Thế Sử vinh dự được nằm trong danh sách sinh viên cử đến Sở Liêm chính (bây giờ là đơn vị công an) làm nhiệm vụ đặc biệt. Đội quân sinh viên khi đó chỉ được vài người, sau khi đến Sở Liêm Chính mọi người phải ngủ lại đó từ tối ngày 1/9/1945.

Đêm hôm ấy chàng thanh niên Đỗ Thế Sử thao thức không ngủ được vì không thể biết nhiệm vụ đặc biệt mình được giao là gì. Hỏi ai cũng thấy có vẻ rất bí mật khiến chàng sinh viên Đỗ Thế Sử vốn hội hộp càng hồi hộp hơn.

Sáng hôm sau, từ tinh mơ, khắp Hà Nội đã rộn lên khí thế náo nhiệt, tưng bừng, con đường nào cũng gặp người dân náo nức cầm là cờ đỏ sao vàng nhỏ xíu, mặt ai cũng rạng ngời, phấn khởi. Ngồi trên chiếc xe của đội cảnh sát, ông Sử cũng xúc động, rạo rực vì khung cảnh xung quanh.

Chiếc xe chở đoàn công an đến cách khu vực Bắc Bộ Phủ (ngôi nhà hàng tầng tại số 12 Ngô Quyền) một đoạn khá xa thì dừng lại, các chiến sĩ trên xe lần lượt đi bộ vào. Lúc này, Đỗ Thế Sử nhận được một khẩu súng cùng nhiệm vụ “Bảo vệ Bác Hồ từ Bắc Bộ Phủ đến Quảng trường Ba Đình để đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

nhung ky uc ve bac trong le tuyen ngon doc lap
Lễ Độc lập ở Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Ông Sử nhớ lại: “Tôi không thể nói được niềm vui và sự tự hào của mình, chỉ là một sinh viên mà được thực hiện một nhiệm vụ quá vinh quang và lớn lao. Cảm giác như mình đang trong một giấc mơ quá đẹp. Bác hiện diện ngay trước mặt tôi, tôi quan sát Người rất kỹ, Bác trông bình dị mà oai phong lắm”.

Vì mê mải ngắm Bác, ông Sử cứ ngây ra, không nhớ đến khẩu súng được phân công cầm để bảo vệ Bác, nên khẩu súng luôn ở tư thế giương lên, chĩa thẳng vào Bác, khiến ai trông thấy cũng phải toát mồ hôi. Nhớ lại khoảnh khắc ấy ông Sử kể: “Khẩu súng của tôi cứ chĩa vào người Bác. Bác Hồ bất chợt nhìn thấy nhắc nhở tôi phải cầm súng cho chuẩn. Lúc ấy tôi gần như mới chợt tỉnh giấc mơ, nhớ ra nhiệm vụ của mình rồi chỉnh lại khẩu súng. Được đi ngay bên cạnh Bác cả một đoạn đường dài, có lẽ đó là điều mà tôi sẽ nhớ mãi”.

Nhớ lại những thời khắc lịch sử của dân tộc, của đất nước, ông Sử hào hứng như mới xảy ra. Ông bảo, ngay sau khi Bác đọc xong Bản Tuyên ngôn Độc lập, ông đã thuộc luôn cả bài, nhớ mãi từng lời, từng âm giọng của Bác khi hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”? Nghe giọng Bác khi ấy như uống từng gáo nước mát lành. Những cảm giác mà có lẽ cả đời ông không bao giờ gặp lại lần thứ hai.

Cùng người dân giành lại chính quyền

Sau khi lãnh đạo dân chúng giành chính quyền thành công, ông Sử được bầu làm tổng Chu Quyền, sau đó là Chủ tịch Tổng.

Có lẽ nhờ vào những thành tích này mà ông được lọt vào danh sách đội chiến sĩ công an đi bảo vệ Bác trong ngày 2/9 lịch sử và lần đầu tiên, được nhìn thấy vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam bằng xương, bằng thịt ngay trước mắt mình. Và ký ức ấy luôn là niềm tự hào theo suốt cuộc đời ông, cộng với niềm tự hào về những đứa con giỏi giang, thành đạt của mình.

Trước đó, để có được một ngày 2/9 lịch sử, quân đội Việt Minh đã có kế hoạch giành chính quyền táo bạo, trong đó, ông Đỗ Thế Sử tích cực tham gia với tư cách sinh viên, luôn hiện diện trong các cuộc biểu tình và kêu gọi giành chính quyền. Ông nhớ lại, từ sau khi có tin Nhật đảo chính Pháp, làm khổ, đầy ải dân ta, phong trào Việt Minh nổi lên khắp nơi, đặc biệt là chuyện phá kho thóc của Nhật tại các vùng nông thôn.

Một buổi sáng mùa thu, hội sinh viên Việt Nam đã tổ chức cuộc họp ở Nhà hát Lớn. Trưởng ban tổ chức chưa kịp công bố thông tin thì một nữ cán bộ Việt minh giành lấy micro và tuyên bố mặt trận Việt minh yêu cầu tập hợp lực lượng để giành lại chính quyền. Cuộc họp được hưởng ứng nhiệt liệt, mọi người chia nhau đi các con phố. Khi ấy chàng thanh niên Đỗ Thế Sử thấy vui mừng, lòng như mở cờ khi chứng kiến khí thế đấu tranh bùng lên như cơn bão.

Ông Sử chậm rãi kể lại: “Khi đó tôi nhận được tin ngày 19/8 sẽ tập hợp mitting tại Nhà hát Lớn. Tối 18/8 tôi rất hồi hộp vì nghĩ đến việc dân tộc mình sẽ giành lại được chính quyền. 6h sáng hôm sau, quảng trường Nhà hát lớn rợp trời cờ đỏ sao vàng, hàng vạn nắm đấm được giơ lên biểu thị cho quyết tâm, sau đó đoàn quân chia nhau đi biểu tình tại các con phố. Đoàn thì đổ bộ vào Bắc Bộ Phủ chiếm dinh quan khâm sai đại thần, đoàn thì chiếm Bảo An Binh, đoàn thì chiếm sứ quán phái bộ Nhật.

Riêng ông Sử khi đó đi theo đoàn vào chiếm Sở liêm phóng Nhật, còn các ngả đường khác thì tiếng hò reo rầm trời rợp đất. Đến chiều tối 19/8, một đoàn hiến binh Nhật kéo xe đến Bờ Hồ. Với quyết tâm không cho chúng chạy thoát, toàn dân vây lại, không cho chúng di chuyển và mọi người không ngừng reo hò.

Đến 21h đêm hôm ấy ta chiếm được toàn thành phố Hà Nội. Vui mừng quá, ngày hôm sau ông Sử đạp xe về quê. Về đến nơi, ông liền kể rõ ngọn ngành về việc Hà Nội giành lại được chính quyền, đồng thời kêu gọi tập hợp thanh niên trai tráng trong làng ra họp. Ông thông báo tin mừng từ Hà Nội và kêu gọi người làng chiếm lấy chính quyền xã, đồng thời yêu cầu Lý trưởng, Chánh tổng nộp ấn tín cho Cách mạng.

Sáng hôm sau dân làng ông tập hợp nhau lại may cờ đỏ sao vàng để chuẩn bị giành chính quyền huyện. Đoàn người vừa đi vừa hô “Cách mạng thành công” và đổ bộ vào cổng phủ. Quan phủ phải tự tay dâng nộp ấn triện cho đoàn quân cách mạng địa phương.

Mọi người hân hoan chào đón Việt Minh đã chiếm được Phủ và vui mừng trở về để chuẩn bị cho cuộc giành chính quyền tỉnh. Và cuộc chiến giành lại chính quyền tỉnh lại không thể đơn giản hơn được nữa vì không phải nổ một phát súng nào, quan tuần sẵn sàng nộp ấn tín cho Cách mạng.

“Thời điểm đó, khẩu hiệu cách mạng hô vang trời, cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Trong các dinh đều treo toàn cờ đỏ sao vàng. Thật không thể quên được. Những lời diễn văn tuyên bố đã giành chính quyền thành công như có ma lực bay đi khắp chốn, tiếng vang vọng của cán bộ Việt minh như sóng xô dồn dập vào người. Tôi cứ lắng tai nghe như uống từng lời, cảm giác như nước thác đang ào ạt đổ vào dân chúng sau nhiều năm khô hạn”, ông Sử hào hứng kể.

Sau khi lãnh đạo dân chúng giành chính quyền thành công, ông Sử được bầu làm tổng Chu Quyền, sau đó là Chủ tịch Tổng. Có lẽ nhờ vào những thành tích này mà ông được lọt vào danh sách đội chiến sĩ công an đi bảo vệ Bác trong ngày 2/9 lịch sử và lần đầu tiên, được nhìn thấy vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam bằng xương, bằng thịt ngay trước mắt mình. Và ký ức ấy luôn là niềm tự hào theo suốt cuộc đời ông, cộng với niềm tự hào về những đứa con giỏi giang, thành đạt của mình.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này