Chưa có lộ trình

11:27 | 23/10/2012
LĐTĐ - Ngày mới ở Đình Xuyên bắt đầu bằng tiếng máy móc rộn ràng khác với không khí đìu hiu mấy tháng trước đây khi chính quyền yêu cầu 10 cơ sở sản xuất ngừng hoạt động.

600 lao động có nguy cơ mất việc làm

Mọi chuyện xảy ra vào ngày 31/5/2012 khi UBND xã Đình Xuyên yêu cầu 10 chủ cơ sở sản xuất gỗ ván ép ở khu Trường Thi phải đình chỉ hoạt động do sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường…Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn khiến 600 lao động là người địa phương có nguy cơ mất việc làm.

Ngược dòng thời gian, nguồn gốc đất 10 cơ sở sản xuất gỗ ván ép đang sử dụng tại khu Trường Thi, xã Đình Xuyên vốn là đất nông nghiệp diện tích hơn 39.000m2, trong đó 3.270m2 là đất do UBND xã Đình Xuyên quản lý, còn lại là đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Trong quá trình sử dụng, các cơ sở sản xuất gỗ ván ép đã thuê đất và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (SDĐ), xây nhà xưởng và bố trí máy móc sản xuất gỗ ván ép từ năm 2008. Các cơ sở này đều không có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Chính vì thế, ngày 11/11/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Gia Lâm tạm đình chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh và xử lý các vi phạm trong quản lý, SDĐ.

Người dân Đình Xuyên mong dự án làng nghề sớm đi vào hoạt động

UBND huyện đã giao UBND xã Đình Xuyên làm việc và yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất gỗ ép tại khu Trường Thi phải đình chỉ mọi hoạt động sản xuất từ ngày 31/5/2012. Để tạo điều kiện cho các cơ sở có thời gian thu xếp, UBND huyện gia hạn 6 tháng cho các chủ cơ sở sản xuất thu dọn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn tồn đọng, liên hệ tìm điểm sản xuất mới phù hợp với quy định của pháp luật về SDĐ và để công nhân có thời gian chuyển đổi công việc khác.

Những tưởng bài toán về quản lý đất đai và môi trường được giải quyết triệt để, song các cấp chính quyền mới giật mình bởi chưa tính hết đến hệ lụy liên quan đến hàng trăm lao động. Đa số người làm công cho các xưởng là người sống tại địa phương, thậm chí có những gia đình có tới 5 người làm tại các cơ sở. Nhưng hoang mang nhất là các lao động ở độ tuổi 40 đến 50, vì mất việc cũng đồng nghĩa với việc họ rất khó xin việc ở chỗ khác vì lý do tuổi tác.

Chủ các cơ sở sản xuất cũng hoang mang, bà Nguyễn Thị Tiếp, chủ doanh nghiệp Kim Tiếp than thở, ngoài chuyện 70 lao động phải nghỉ việc thì doanh nghiệp phải gánh thêm nỗi lo hợp đồng với đối tác bị phá vỡ và phải chịu bồi thường. Một số doanh nghiệp khác cũng khốn đốn không kém vì ngân hàng yêu cầu trả nợ, trong khi đó vốn làm ăn chủ yếu vay từ ngân hàng.

Vẫn chỉ là dự định

Vậy lối thoát nào cho người dân Đình Xuyên?. Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cho biết: UBND huyện đã liên hệ, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện cho các cơ sở sản xuất sang thuê đất tại khu công nghiệp Ninh Hiệp, có vị trí địa lý, giao thông, mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và thuận lợi. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất gỗ ván ép đều không muốn di chuyển, vì ở đó, suất đầu tư lớn, trong khi họ chỉ là những người sản xuất nhỏ. Tại nơi sản xuất cũ, phần là đất của gia đình, phần đang được thuê với giá rẻ…

Được biết, sau khi sau khi nghe ý kiến, nguyện vọng của đa số dân Đình Xuyên cùng đại diện 10 cơ sở sản xuất, UBND thành phố đã yêu cầu UBND huyện Gia Lâm chủ động giao các phòng, ban chuyên môn, Trung tâm Phát triển quỹ đất tham mưu, làm thủ tục trình thành phố xem xét, sớm cho triển khai thực hiện dự án cụm sản xuất làng nghề Đình Xuyên, để có chỗ bố trí các cơ sở kinh doanh sản xuất ổn định lâu dài. Trong khi chờ các giải pháp đồng bộ đang triển khai, UBND huyện có tờ trình gửi UBND thành phố, đề nghị cho 10 cơ sở sản xuất gỗ ván ép tại xã Đình Xuyên được sản xuất đến hết ngày 30/12/2012 theo nguyện vọng chung của các chủ sản xuất và người lao động. Trước đó, cả 10 cơ sở sản xuất đã đồng loạt ký cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định chung và sẽ chính thức ngừng sản xuất trước tết nguyên đán Quý Tỵ.

Quay trở lại dự án cụm sản xuất làng nghề Đình Xuyên. Đây là dự án đòi hỏi một lộ trình dài để làm các công việc như chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải…, đương nhiên phải có ý kiến của nhiều cơ quan chức năng từ huyện tới thành phố. Trong khi đó, động thái trước mắt của huyện Gia Lâm chỉ là gửi văn bản đề nghị cho các cơ sở được sản xuất đến hết ngày 30/12/2012.

Sau ngày này, người dân Đình Xuyên sẽ phải đối mặt với hai lối rẽ. Thứ nhất, ngừng sản xuất, chấp nhận nghỉ, đồng nghĩa với việc thất nghiệp một thời gian để chờ dự án được phê duyệt. Thứ hai, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục có tờ trình gửi thành phố đề nghị cho các cơ sở tạm hoạt động trong khi chờ các bên hoàn tất thủ tục, bởi rõ ràng lộ trình cho dự án vẫn chưa hề có, chưa biết ngày nào bắt đầu và ngày nào kết thúc. Như vậy, để đợi có một dự án làng nghề đi vào hoạt động, nhiều khả năng chính quyền vẫn phải tạm chấp nhận cho các cơ sở sản xuất, chấp nhận ô nhiễm kéo dài thêm một thời gian nữa. Để chấm dứt cần sự vào cuộc tích cực của thành phố và huyện Gia Lâm.

Gia Bảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này