Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử:

Cần tăng cường quản lý để nâng cao chất lượng nhà thầu

16:01 | 25/08/2017
Ngày 24/8, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở Văn hóa và thể thao TP Hà Nội về việc thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội.
can tang cuong quan ly de nang cao chat luong nha thau Nhà thầu được phép đặt cọc bằng tiền mặt?
can tang cuong quan ly de nang cao chat luong nha thau Đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức hoạt động vào tháng 9
can tang cuong quan ly de nang cao chat luong nha thau Đình chỉ thi công nhà thầu không bảo đảm an toàn về điện

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng Ban quản lý Di tích & Danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc với gần 6000 di tích được phân bố rải khắp 30 quận, huyện và thị xã. Theo phân loại sơ bộ ban đầu, hiện có 2.235 di tích xuống cấp các hạng mục chính, có trên 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nặng.

can tang cuong quan ly de nang cao chat luong nha thau
Trưởng ban Văn hóa – xã hội Trần Thế Cương phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa những năm gần đây có phần lấn át cảnh quan, ảnh hưởng phần nào đến không gian và môi trường di tích trong khu vực nội đô và khu vực đông dân cư. Việc xuống cấp của di tích có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các yếu tố tự nhiên (mưa, nắng, mối, mọt,…), các yếu tố xã hội và bản thân tuổi thọ của di tích.

Bên cạnh đó, có một số di tích bị phá hủy do chiến tranh, chưa kịp thời khôi phục, sửa chữa. Ngoài ra, còn do sự vô ý thức của con người và việc sử dụng di tích không đúng chức năng nhiệm vụ ở một số địa phương trong giai đoạn trước đó. Theo bà Hòa, mặc dù thời gian qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích lịch sửa nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Phân tích và làm rõ hơn nguyên nhân, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, ở cấp cơ sở nhiều nơi vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về di tích lịch sử. Trong đó, ở một số chùa được xếp hạng di tích, mặc dù quyền định đoạt, sửa chữa di tích thuộc thẩm quyền của nhà nước nhưng một số sư trụ trì lại tự ý sửa chữa, tôn tạo.

Có thể với mục đích xây dựng di tích khang trang, to đẹp hơn nhưng lại làm mất đi nguyên bản của chùa, từ đó làm suy giảm giá trị của di tích. Còn có hiện tượng nhiều dự án ở một số quận huyện phải trả đi, trả lại. Nguyên nhân là chủ đầu tư chọn đơn vị tư vấn kém, thậm chí cho nhau thuê tư cách pháp nhân để nhận thầu…

Do đó, ông Tiến đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thậm chí phải mở các lớp hướng dẫn, đào tạo ở cơ sở để cán bộ, người dân hiểu và thực hiện cho đúng quy định. “Chúng ta cũng cần phải tính đến việc tăng giá ở các di tích đã thu phí và tiến hành thu phí ở tất cả các di tích có thể thu. Nguồn quỹ này sẽ bổ sung cho kinh phí đầu tư, tôn tạo, tu bổ tại chỗ hoặc hỗ trợ cho những di tích khác, đang xuống cấp nghiêm trọng mà không có kinh phí để tôn tạo” – ông Tiến nói.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở và các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ công nhận các di tích; kinh phí bảo trì, tôn tạo các di tích; việc lựa chọn nhà thầu và đơn vị tư vấn cải tạo, trùng tu di tích;…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa – xã hội Trần Thế Cương đánh giá cao nỗ lực của Sở Văn hóa và thể thao cùng với các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP. Đặc biệt, ngành văn hóa đã làm tốt việc kết nối với ngành du lịch trong việc thực hiện các tour, tuyến, qua đó đẩy mạnh phát triển ngành du lịch và quảng bá hình ảnh của Thủ đô.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Văn hóa – xã hội, việc tu bổ, tôn tạo các di tích vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí tu bổ còn ít, mặc dù so với cả nước đã là nhiều nhưng nếu so với nhu cầu, số lượng, tầm quan trọng của di tích thì còn rất thiếu. Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực huy động các nguồn vốn xã hội hóa nhưng vẫn còn rất hạn chế. Ngoài ra, do tác động của môi trường, thiên tai đã khiến nhiều di tích xuống cấp.

Ở nhiều nơi, người dân phải dùng cột kèo để chống cho đỡ sập. Bên cạnh đó, công tác trình duyệt, hoàn thiện hồ sơ tu bổ, tôn tạo vẫn còn chậm, nhiều đơn vị phản ánh có khi phải mất cả năm mới xong. Công tác lập hồ sơ xếp hạng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, theo thống kê vẫn còn khoảng 3/5 di tích chưa được xếp hạng. Một số di tích trong nội thành đang xen kẽ với nhà dân, gây khó khăn cho việc khoanh vùng, bảo vệ di tích.

Do đó, trong thời gian tới, Trưởng ban Văn hóa – xã hội Trần Thế Cương đề nghị, cần tăng cường nguồn vốn tôn tạo di tích từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, đặc biệt ưu tiên dành kinh phí cho những di tích xuống cấp nghiêm trọng. Sở Văn hóa và Thể thao cần chỉ đạo các quận, huyện và thị xã đẩy nhanh việc kiểm kê di tích, tích cực hơn nữa trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ để xếp hạng di tích. Các đơn vị cần phải kiện toàn và nâng cao năng lực của các ban quản lý di tích, nhất là ở cấp cơ sở đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân. Đặc biệt, phải thực hiện tốt công tác kiểm duyệt, tăng cường quản lý để nâng cao chất lượng nhà thầu.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này