Cơ hội lập nghiệp cho nữ lao động nhập cư

15:06 | 18/08/2017
Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 2,4 triệu LĐ làm việc trong các khu công nghiệp - chế xuất (KCN - CX). Trong đó, lao động (LĐ) nữ chiếm khoảng 60 - 70% và đa số là LĐ nữ nhập cư từ khắp nơi trên cả nước. 
co hoi lap nghiep cho nu lao dong nhap cu Bảo vệ nữ lao động nhập cư: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
co hoi lap nghiep cho nu lao dong nhap cu Trung thu cho trẻ em lao động nhập cư

Đời sống LĐ nữ nhập cư vô cùng khó khăn khi áp lực công việc nặng nề, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn… Hiện họ cũng phải đối mặt với tình trạng việc làm thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

co hoi lap nghiep cho nu lao dong nhap cu
Học viên được tham gia khóa học miễn phí về nấu ăn của tổ chức Plan International Việt Nam

Việc làm bấp bênh

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có gần 30.000 công nhân lao động (CNLĐ) nhập cư, trong đó 90% là nữ. Tỷ lệ nữ CNLĐ nhập cư cao khiến công tác quản lý, phổ biến tuyên truyền trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn.

Thống kê từ một cuộc điều tra tháng 5/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, hiện đang tồn tại tình trạng phổ biến là CNLĐ độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là giới nữ phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Đáng nói, trên 43,1% số LĐ nữ sau nghỉ việc phải làm các công việc tự do, thu nhập không đảm bảo.

Trường hợp công nhân Phan Thị Thu Hà (33 tuổi, quê Tuyên Quang) là một ví dụ. Chị Hà bắt đầu đi làm từ năm 2004 tại một công ty liên doanh Việt Nhật. Hiện công việc của chị khá bấp bênh, việc làm ít, nhiều khi chị chỉ được hưởng 70% lương.

Một điều tra khác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, sau khi bị sa thải phần lớn công nhân sẽ chuyển sang làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do.

Khảo sát riêng của tổ chức Plan International Việt Nam tại huyện Đông Anh vào tháng 11/2016 cho thấy, hơn 80% số người được hỏi đều cho biết công việc hiện tại của họ chỉ mang tính thủ công, không giúp ổn định nghề nghiệp sau khi nghỉ việc. Đáng nói, 53,3% số nữ LĐ đều mong muốn được chuyển sang một công việc khác bền vững hơn.

“Gần 90% phụ nữ di cư nhưng không có mục đích, họ không biết mình sẽ phải làm công việc gì khi đến thành phố. Công việc họ làm chủ yếu chỉ mang tính thủ công, họ thường thiếu các thông tin về những nơi ở trọ an toàn” - ông Lưu Quang Đại, Giám đốc chương trình Plan International cho biết thêm.

Tạo cơ hội cho LĐ nữ lập nghiệp

Với mục đích tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư độ tuổi 18 đến 30 ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, tăng cơ hội việc làm bền vững.

Mới đây, tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng - Ánh sáng (LIGHT) khởi động Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Dự án được triển khai thí điểm tại huyện Đông Anh từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2019.

Chia sẻ về dự án, bà Sharon Kane - Giám đốc Plan International Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang nỗ lực để thu gọn khoảng cách giàu nghèo. Nhiều bạn trẻ đang có xu hướng ra thành phố tìm việc làm… đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Thách thức ở đây là làm thế nào để LĐ nữ có việc làm bền vững, được hỗ trợ các kỹ năng mềm”.

Theo dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập. Trên 800 người sẽ được đào tạo, tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc. 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo. 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 250 học viên tham các khóa học nghề khác nhau.

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Dung (Cẩm Khê, Phú Thọ) là một trong những trường hợp điển hình hưởng lợi từ dự án. Do gia đình nghèo nên Dung sớm phải từ bỏ giấc mơ theo học đại học. Chị xuống Hà Nội làm công nhân và phải chuyển nhà trọ cả chục lần để thích ứng với công việc.

Chồng mất sớm, một mình Dung phải vật lộn mưu sinh, chăm sóc con cái. Cuộc sống của Dung bắt đầu có sự đổi thay khi được tiếp cận với dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Hiện chị được học nghề miễn phí và đang từng bước nỗ lực để mở một cửa hàng tóc trong tương lai.

Chia sẻ thêm về dự án, ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho biết: Dự án này tiến bộ ở chỗ, các đơn vị doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia xây dựng quy trình đào tạo học viên. Hiện tại, dự án đã có 13 doanh nghiệp tham gia, chủ yếu là các lĩnh vực ngành nghề như: nấu ăn, cắt tóc, spa…

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này