Quản lý hoạt động quảng cáo: Minh bạch mới tạo được niềm tin

10:37 | 15/08/2017
Mặc dù đã có Luật quảng cáo, Quy chế và quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, tuy nhiên việc thiếu minh bạch, thiếu phối hợp, lúng túng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lộn xộn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
quan ly hoat dong quang cao minh bach moi tao duoc niem tin Ngành quảng cáo cũng sắp có bộ quy tắc ứng xử ​
quan ly hoat dong quang cao minh bach moi tao duoc niem tin Vi phạm quảng cáo bảng, biển: Cũ chưa xong, mới đã mọc

Lúng túng trong xử lý

Là nơi đặt trụ sở của hơn 5000 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và trên 10.000 hộ kinh doanh cùng với nhiều khu vực kinh doanh sầm uất như Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà… từ lâu quận Đống Đa luôn là một trong những địa bàn phức tạp về hoạt động quảng cáo, biển hiệu, quảng cáo rao vặt.

quan ly hoat dong quang cao minh bach moi tao duoc niem tin
Quảng cáo văn minh, đúng quy định sẽ góp phần làm đẹp Thủ đô. Ảnh: Tuấn Dũng

Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian vừa qua UBND quận Đống Đa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra xử lí vi phạm. Chỉ tính riêng trong đợt ra quân cao điểm tháng 3/2017, trong hơn 10 ngày, lực lượng liên ngành của quận đã tiến hành xử lý 610 trường hợp vi phạm về pháp lệnh quảng cáo.

Theo Sở VHTT các vi phạm phổ biến trong hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố chủ yếu là không có thông báo sản phẩm quảng cáo; thiếu giấy phép xây dựng đối với quảng cáo tấm lớn (trên 20m2); quảng cáo sai nội dung, sai kích thước; không bảo đảm điều kiện về phòng chống cháy, nổ…

Kết quả là vậy nhưng thực tế cho thấy tại địa phương, quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo cũng như những văn bản pháp luật liên quan còn tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử như trường hợp tại quận Đống Đa, trong những ngày lực lượng chức năng tiến hành xử lý thì các tấm biển quảng cáo cỡ lớn đặt tại tuyến phố Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn đã xuất hiện dấu hiệu đối phó bằng cách cuộn lên hoặc dùng vải bạt phủ kín nội dung của biển quảng cáo. Trong trường hợp này, nếu không có sự phối hợp liên ngành thì sẽ rất khó để xử lý triệt để.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, cái khó của cấp cơ sở là chưa có hướng dẫn cụ thể , đơn cử như trường hợp những bảng quảng cáo, biển hiệu có diện tích trên 20m2 đã tồn tại từ trước khi có Luật Quảng cáo; công tác xử lý với những bảng quảng cáo tấm lớn không phù hợp với quy hoạch nhưng đã từng được giấy phép xây dựng…

Đặc biệt, công tác xử lý vi phạm về quảng cáo rao vặt gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường dán quảng cáo vào buổi đêm nên việc phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế, chế tài và quy trình xử lý chưa phù hợp thực tiễn.

Minh bạch để quy rõ trách nhiệm

Nhìn từ kết quả ra quân trong thời gian qua có thể thấy về cơ bản công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo còn lúng túng, đùn đẩy, né tránh. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa thường xuyên, thiếu chặt trẽ dẫn đến kết quả xử lý còn hạn chế, chưa triệt để.

Theo ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa – Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (Sở VHTT) cho biết, nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ đồng bộ của tất cả các sở ngành và hệ thống chính quyền cơ sở thì những vi phạm trong hoạt động quảng cáo sẽ rất khó xử lý. “Sản phẩm quảng cáo ký sinh trên rất nhiều sản phẩm khác, ví dụ như một pa-nô, áp phích sẽ phải có vật để treo, gá đó là khung và giá đỡ.

Theo quy định của pháp luật, Sở VHTT chỉ quản lý về mặt nội dung quảng cáo, do đó nếu người ta đối phó bằng cách tắt, che màn hình thì thanh tra văn hóa không thể làm gì được. Sở VHTT cũng không thể cưỡng chế tháo dỡ biển quảng cáo bởi đây là vai trò của Sở Xây Dựng. Tương tự, cơ quan công an là đơn vị quản lý về phòng cháy chữa cháy, an ninh văn hóa…” – ông Bùi Minh Hoàng nói.

Cũng theo đại diện Sở VHTT, qua công tác kiểm tra thực tế các vi phạm phổ biến trong hoạt động quảng cáo ngoài trời đó là không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo; không có giấy phép xây dựng; vi phạm các quy định chung của Luật quảng cáo (nội dung, kích thước, hình thức thể hiện và quy chế 01 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố…).

“Trong kiểm tra thực tế, cá biệt có những trường hợp biển quảng cáo vi phạm có diện tích từ 300 – 500m, những trường hợp như vậy thì không thể nói địa phương không biết là xong được. Từ thực tế này, Sở VHTT cũng đã kiến nghị thành phố cần có những quy định nhằm làm rõ trách nhiệm của cá nhân, của tổ chức nếu để lọt vi phạm dẫn đến sự cố” – Trưởng phòng Sở VHTT cho hay.

Để hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp trong việc giới thiệu, quảng bá thương hiệu mà không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sự an toàn của người dân là một bài toán khó nhưng lâu dài và bền vững.

Trước mắt để xử lý nghiêm các vi phạm, nhiều chuyên gia cho rằng cần phân rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, từng cấp chính quyền trong tổ chức, quản lý hoạt động quảng cáo cũng như xử lý vi phạm. Đặc biệt, quyền và tránh nhiệm của các chủ nhà kinh doanh hoạt động quảng cáo, của công ty cho thuê quảng cáo… cũng cần phải được lưu ý tới để quy trách nhiệm nếu không may sự cố xảy ra.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này