Chưa thể tắt sóng 2G

20:08 | 08/08/2017
Dịch vụ 4G đang được các nhà mạng trong nước triển khai trên toàn quốc và theo công bố của đại diện Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 3,5 triệu thuê bao 4G. Con số này thấp so với 6,3 triệu người đã đổi sim 4G và còn quá nhỏ so với hơn 120 triệu thuê bao di động hiện nay. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia nhận định trong vài năm tới, chưa thể tắt sóng 2G để giải phóng băng tần…
chua the tat song 2g Mạng 4G đã phủ sóng khoảng 95% dân số Việt Nam
chua the tat song 2g Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng về lộ trình tắt sóng 2G

Sẵn sàng cho phát triển 4G

Tại hội thảo quốc tế về 4G LTE do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với các đối tác tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra dự báo đến năm 2020, 67% thiết bị bán ra tại thị trường Việt Nam sẽ hỗ trợ kết nối 4G LTE và tổng số lượng thuê bao 3G và 4G có thể sẽ lên tới con số 120 triệu. Theo ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm tại khu vực Đông Nam Á, có 3 giải pháp cơ bản để nâng cao tỷ lệ người dùng 4G.

Đó là, về công nghệ, thực hiện giải pháp chipset điện thoại (được coi là trái tim của điện thoại) dùng cho các dòng điện thoại từ cao cấp, tầm trung đến tầm thấp như chipset 4G dành cho điện thoại cơ bản (feature phone), để những người có thu nhập thấp và đang sử dụng điện thoại cơ bản có thể dùng dịch vụ 4G.

Thứ hai, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước (như BKAV, VNPT) sản xuất thiết bị không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Thứ ba, phát triển internet vạn vật (IoT) để ứng dụng thêm công nghệ nâng cao chất lượng và năng suất cho ngành nông nghiệp, thành phố thông minh...

Đáng chú ý, theo phân tích của đại diện Qualcomm, dựa trên những nghiên cứu thị trường tại nhiều quốc gia khác nhau, có một lượng người chỉ thích dùng các dịch vụ điện thoại cơ bản (nghe, gọi, nhắn tin), có người dùng vì quen với phím bấm vật lý; trong đó cũng không ít vì điều kiện kinh tế không thể mua được điện thoại thông minh. Tại thị trường Việt Nam, ước tính tỷ lệ thuê bao dùng 2G vẫn còn lớn.

Do vậy, nếu muốn người dùng chuyển đổi sang công nghệ 4G, cần có giải pháp công nghệ phù hợp để phục vụ người dân và bảo đảm mục tiêu của nhà mạng. Đó là lý do hãng công nghệ này thiết kế chipset điện thoại không chỉ hỗ trợ thuê bao 2G mà còn có khả năng hỗ trợ những ứng dụng dữ liệu mới cho mạng xã hội như Whatsapp, Facebook...

Thuê bao 2G vẫn nhiều

Tại hội nghị tổng kết ngành thông tin và truyền thông năm 2015, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã đề xuất cơ quan quản lý nhà nước có lộ trình tắt 2G để giải phóng tần số cho 4G. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản đối của dư luận. Ngay sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn trả lời hiệp hội và gửi các cơ quan báo chí khẳng định, chưa có nhà mạng nào có văn bản kiến nghị tắt sóng 2G và cho biết, nếu thực hiện cũng phải theo lộ trình... Từ đó đến nay chưa thấy cơ quan nào đề cập đến việc này.

Theo phân tích, mạng 2G đang hoạt động ở băng tần 900MHz, nếu thực hiện chuyển đổi, nhà mạng có thể “giải phóng” băng tần này để phát triển 4G, 5G, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mạng lưới mà còn giảm cả chi phí cho nhà mạng vì vận hành mạng 3 lớp 2G, 3G, 4G sẽ tốn kém hơn. Trên thế giới cũng đã có một số ít quốc gia bắt đầu tắt sóng 2G hoặc đưa ra lộ trình công bố dừng công nghệ này. Tại Việt Nam, theo ước tính vẫn còn khoảng 40% thuê bao dùng 2G.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng, tại Việt Nam, trong một vài năm tới, việc tắt sóng 2G là bất khả thi vì lượng thuê bao 2G còn nhiều. Hơn nữa, các nhà mạng trong nước cũng chưa có kế hoạch cho việc này, trong khi kinh nghiệm từ nhà mạng AT&T (Mỹ) cho thấy, để tắt sóng 2G họ đã thông báo cho khách hàng trước 7 năm.

Cũng theo ông Thiều Phương Nam, ở một góc độ khác, không ít quốc gia vẫn giữ dịch vụ 2G cho việc roaming và một số ứng dụng không phải smartphone vì ứng dụng ở dạng “tiền IoT” vẫn sử dụng 2G.

Theo Việt Nga/ hanoimoi.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này