Bão không vào, đê vẫn vỡ: Tại sao?

15:02 | 31/10/2012
LĐTĐ -Giới báo chí cũng như dư luận rất trông chờ vào buổi kiểm tra này, sẽ có chỉ đạo quyết liệt để tìm ra nguyên nhân thực sự của sự cố, trách nhiệm của các bên liên quan khi mà bão không đổ bộ nhưng đê vẫn vỡ. Thế nhưng...

>>Quảng Bình: Đường đê nối bị xé tan

Ngay trong chiều 30/10, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình đã dẫn đầu đoàn đến thị sát hiện trường đê chắn sóng tại Khu kinh tế Hòn La bị vỡ. Buổi làm việc kết thúc mà chẳng có bất cứ một chỉ đạo nào để làm rõ sự cố nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Dẫn đầu đoàn thị sát đi kiểm tra sự cố này là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình – ông Lương Ngọc Bính.

Cùng đi còn có đại diện của Sở GTVT, Ban QL Khu kinh tế Quảng Bình, Cty tư vấn hàng hải, TGĐ Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh...

Giới báo chí cũng như dư luận rất trông chờ vào buổi kiểm tra này, sẽ có chỉ đạo quyết liệt để tìm ra nguyên nhân thực sự của sự cố, trách nhiệm của các bên liên quan khi mà bão không đổ bộ nhưng đê vẫn vỡ. Thế nhưng...

“Bão không vào, sao lại vỡ?”

Đó là câu chất vấn của ông Bính đối với các bên liên quan.

Ông Bính nói: Có yếu tố chủ quan không.... Đợt bão vừa qua Quảng Bình chỉ bị ảnh hưởng. Bão không vào trực tiếp mà chỉ chạy song song ngoài bờ biển rồi đổ ra khu vực phía Bắc. Mới chỉ là sóng xung kích “ghé thăm” mà đã vỡ tan như vậy. Nếu bão đổ bộ thực sự thì thế nào?

Ông Lương Ngọc Bính dẫn đầu đoàn thị sát sự cố vỡ đê do sóng đánh khi mà bão không đổ bộ vào.


Lãnh đạo Công ty Trường Thịnh, đơn vị thiết kế và chủ đầu tư (BQL KKT Quảng Bình) đều thừa nhận lời chất vấn của ông Lương Ngọc Bính là đúng. Tuy nhiên, chẳng ai trả lời được.

Tại cuộc họp nhanh sau đó do ông Bính chủ trì, ai cũng hy vọng nhận được câu trả lời xác đáng. Có đông đảo báo chí trung ương và địa phương tham gia đưa tin.

Sau khi các đại diện cảng Hòn La và Trưởng ban QL KKT nói về vị trí quan trọng của việc xây dựng cảng, Bí thư tỉnh uỷ đã yêu cầu đơn vị thiết kế nói rõ nguyên nhân sự cố đê bị sóng đánh tan, biện pháp khắc phục.

Cơ quan này cũng là đơn vị duy nhất ông Lương Ngọc Bính yêu cầu giải trình nguyên nhân sự cố.

Đại diện công ty tư vấn hàng hải, ông Hoà cho biết: Theo thiết kế công trình đê chắn sóng nối KKT Hòn La với đảo Hòn Cỏ sẽ chịu được sức gió, sóng bão cấp 12.

“Sau khi sự cố xảy ra chúng tôi cùng với chủ đầu tư và nhà thầu thi công có đến để xem xét hiện trường, kiểm tra lại. Hiện nay đê mới làm được dương 2,5 (m), thấp hơn mặt đường (khi hoàn thành) khoảng 2m và thấp hơn mặt đê khoảng 4,5m. Về cơ bản đã hoàn thành phần lõi đê... 

Về tốc độ thi công thì làm rất nhanh. Khi có báo bão nhà thầu cũng đã có biện pháp để đè khối phía trên chưa chưa kịp phủ hết tất cả. Với chiều cao như vậy thì sóng có thể đánh qua mặt đê, sẽ gây sạt... Sự cố trên là bất khả kháng, không ai mong muốn”, đại diện tư vấn giải thích.

Dư luận trông chờ vào sự chỉ đạo làm rõ sự việc, những nghi vấn xung quanh sự cố nghiêm trọng trên.

Theo đại diện cho chủ đầu tư, ông Phạm Văn Năm cho biết thì công trình đê chắn sóng này sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Hiện công trình đã thực hiện được khoảng 60% khối lượng, đã ứng cho nhà thầu 50 tỷ đồng trong tổng vốn 120 tỷ.

Đại diện nhà thầu, TGĐ Tập đoàn Trường Thịnh nói rằng mình đã thi công đúng quy trình, đúng thiết kế.

“Bí thư kết luận”

Cuộc họp không thấy ý kiến của các cơ quan chức năng như công an, Sở Xây dựng hay cơ quan quản lý đê điều.

Bí thư Quảng Bình đánh giá, không chỉ đơn vị tư vấn mà nhà thầu thi công cũng có kinh nghiệm vì từng làm đê giai đoạn 1.

"Ở tỉnh này, ngoài anh Hoài (TGD Cty CP tập đoàn Trường Thịnh) thì không ai dám làm (công trình này). Đủ kinh nghiệm, năng lực, thiết bị. Những công trình phức tạp thế này không phải ai cũng làm được!" - ông Bính nói.

Sau khi tiếp tục nêu bật vị trí quan trọng của cảng và khu kinh tế Hòn La, ông Lương Ngọc Bính khẳng định việc hợp long được đê, tiến độ công trình như thế là các bên đã có nhiều cố gắng.

Và việc đê vỡ tan do sóng là vì ảnh hưởng của bão, tỉnh rất chia sẻ.

Bí thư Quảng Bình chia sẻ với chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu. Đặc biệt đánh giá cao kinh nghiệm cũng như năng lực của đơn vị thi công tuyến đê đã bị vỡ.


“Nguyên nhân là do công trình đang thi công dở dang. Mới chỉ hợp long thôi nên khả năng chịu đựng thì chưa thể như thiết kế. Hiện mình mới chỉ làm được lõi đê thôi. Đây là điều rất không may, đáng tiếc” - ông Bính nói.

Ông Bính cho rằng, cần rút kinh nghiệm trong việc hợp long. Nếu vào mùa xuân, mùa hè thì sẽ khác.

Tuy nhiên, ý kiến “cần rút kinh nghiệm” này đã không nhận được đồng tình của nhiều người vì công trình thi công đòi hỏi vấn đề thời gian, tiến độ.

Nhiều nghi vấn của dư luận xung quanh chất lượng công trình đã bị dập tắt sau cuộc họp chiều 30/10.

“Tôi đề nghị, cả chủ đầu tư, nhà thầu và công ty bảo hiểm đánh giá lại thiệt hại để xử lý. Thiệt hại như thế là lớn. Đề nghị tư vấn huy động đội ngũ cán bộ vào đánh giá lại một cách nghiêm túc, khoa học về công trình này.

Mặc dù đơn vị tư vấn đã thi công nhiều công trình lớn nhưng tôi thấy công trình này rất phức tạp. Rà lại một lần nữa xem có gì sơ suất không, đã khoa học chưa? Nếu không thì phải bổ sung thêm trên cơ sở các số liệu quan trắc, điều tra”
, ông Bính nói tiếp.

Chính ông Bính cũng nhìn nhận, nếu sau này đưa vào sử dụng mà xảy ra sự cố như thế này thì cực kỳ nguy hiểm.

Nguồn Vietnamnet

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này