Nữ tài xế kể chuyện 40 năm lái xe cứu thương

15:58 | 31/10/2012
LĐTĐ - Bà Hinh không nhớ nổi đã chở bao nhiêu bệnh nhân, nhưng vẫn nhớ như in những lần băng cánh đồng đưa xác người bệnh về quê vào ban đêm hay khi bị người dân "quây" vì lỡ đâm chết chó băng qua đường.

Chiều chiều, bà Hinh lại tất bật đón các cháu nội, ngoại đi học về. Ảnh: Bình Minh.

Dáng người to béo, lối nói chuyện cởi mở, bộc trực, bà Văn Thị Hinh (56 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) tiếp chuyện bằng những kỷ niệm về nghề tài xế của mình suốt 39 năm qua. Nghỉ hưu năm 2011, giờ bà ở nhà vui vầy với ba đứa cháu nhỏ. Thỉnh thoảng, con cái bận rộn, bà lại lái xe về quê hay đi đâu đó cho đỡ nhớ... vô lăng. Với người phụ nữ này, "lái xe là cái nghiệp, không bỏ được".

16 tuổi, bà Hinh trở thành lái xe tải của Cục Quân y suốt tuyến đường từ Con Cuông (Nghệ An) ra Hà Nội. Ngày ấy tuổi trẻ hừng hực khí thế, cô gái quê Mỹ Đức, Hà Tây (cũ) viết đơn xin đi bộ đội. Được tuyển làm lái xe chở thuốc tới các bệnh viện, từ đó, bà gắn cuộc đời mình với vô lăng. Năm 1975, bà chuyển sang lái xe cho Trưởng ty Y tế Hòa Bình và năm 1981 bắt đầu lái xe cứu thương ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Nhớ lại ngày mới "bén duyên" với vô lăng, bà Hinh kể, không hiểu sao lại quyết định đến với nghề lái xe. Trải qua nhiều cuộc tuyển lựa gắt gao, bà trụ lại được trong khi nhiều nam giới đang học phải bỏ vì không theo được. "Ngày ấy đang ở lứa tuổi 'bẻ gãy sừng trâu' nên tôi khỏe và hăng hái lắm. Học lái xe tải lại được dạy bài bản nên tôi không mất nhiều thời gian để làm quen", bà nhớ lại.

Gia đình cũng lo lắng khi con gái làm nghề lái xe thời chiến, sợ "bom rơi đạn lạc". Chuyển sang lái xe cấp cứu cho bệnh viện, lịch làm việc của bà "không giờ giấc, bất kể ngày hay đêm". Biết trước công việc vất vả nhưng bà vẫn làm. "Cứu một người phúc đẳng hà sa. Tôi muốn làm công việc này để tích phúc đức cho con cháu", bà Hinh chia sẻ.

Theo bà, lái xe cứu thương cần lòng nhiệt tình, có tâm và không được đòi hỏi bởi đây không chỉ là nghề mà còn là công việc "cứu nhân độ thế". Nhiều người nhà bệnh nhân sau này mang quà đến tận nhà cảm ơn nhưng bà cũng không thể nhớ ra họ. Chỉ dám nhận lời cảm ơn của họ còn quà cáp, bà gửi lại cho gia đình bởi "chỉ cần được người ta nhớ đến đã thật là đáng quý".

Là phụ nữ nhưng bà Hinh nhận mình có tính nóng nảy và hơi đàn ông. Những ngày mới vào nghề, bà thường đi nhanh, "lên xe là phi như ngựa". Để bệnh nhân đến được nơi cần cấp cứu nhanh nhất, khi đi trên đường, bà thừa nhận thường xuyên phải phóng nhanh, vượt đèn đỏ. Trong trường hợp tắc đường lại phải nhanh chóng tìm lối khác hoặc nhờ cảnh sát trợ giúp.

Suốt gần 40 năm lái xe, nữ tài xế không nhớ nổi đã chở bao nhiêu bệnh nhân, người sống và người chết đều có cả. Nhắc đến những lần "thót tim" và "sởn da gà" khi chở bệnh nhân tử vong, tới giờ bà vẫn chưa quên cảm giác sợ hãi khi đó. Thậm chí, không ít lần bà phải nhờ chồng đi cùng cho yên tâm.

Có những hôm gặp ca tai nạn, nạn nhân chỉ còn nhúm tóc, người đã tan nát và bà phải dùng tay không nhặt xác lên cáng đưa lên xe. Có người gặp tai nạn tàu hỏa bị đứt làm ba khúc, cũng lại là bà đưa họ về để các bác sĩ khâu lại toàn thây.

"Lần đó, tôi sợ lắm. Xe cứu thương ngày ấy chưa có vách ngăn nên người chết nằm ngay sau lưng tôi. Người nhà nạn nhân lại không dám lên xe cứu thương ngồi cùng. Thấy vậy, tôi phải nói rắn họ mới lên xe", bà Hinh nhớ lại.

Nữ tài xế không thể quên lần ngồi chờ giữa cánh đồng vào ban đêm. Lần ấy, chở bệnh nhân chết về quê, đường nhỏ, ôtô không vào được, bà đành ngồi trông thi hài để người thân họ về nhà gọi thêm người. Trong đêm tối, cánh đồng heo hút đến lạnh người nhưng nghĩ "sinh dữ tử lành", bà lại cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Với nữ tài xế này, lái xe cứu thương không chỉ là nghiệp mà còn là việc 'cứu nhân độ thế'. Ảnh: Bình Minh.

Đến giờ về hưu đã gần một năm, bà vẫn không thể quên lần chở người đàn ông uống thuốc sâu tự tử về nhà chôn cất. Vợ con người này ngồi trên xe khẩn khoản cầu xin lái xe đưa về tận nhà vì không có ai ra khiêng. Trời hôm đó vừa mưa xong, hai bên đường hẹp là mương nước. Không dám để vợ con người quá cố ngồi trên xe vì sợ có chuyện xảy ra, bà yêu cầu họ xuống rồi một mình phóng xe đưa người chết băng qua đoạn đường khó.

"Gia đình này nghèo tới mức lúc người vợ bê chiếc chõng siêu vẹo ra đặt thi thể chồng, chân anh ta còn thò ra. Ngôi nhà dột nát nhìn thấy cả bầu trời", bà xót xa.

Mới đầu, những hình ảnh ghê rợn về nạn nhân bị tai nạn, máu thấm đẫm cáng hay lênh láng trên xe khiến bà bị ám ảnh nhiều ngày, mãi sau mới quen. Thường xuyên chở bệnh nhân tử vong nên bà hay mang theo bên người tiền lẻ. Gặp người bệnh xấu số, lại gửi cho họ ít tiền để người đã khuất phù hộ thượng lộ bình an.

Ngoài những kỷ niệm "nhớ đến là sởn da gà", bà Hinh còn chia sẻ lần bị "quây" vì đâm chết chó. "1 - 2h sáng, tôi đi cấp cứu qua Vân Đình chẳng may kẹp chết chó. Vài thanh niên xúm lại chặn xe và bắt đền. Họ lấy can xăng giấu đi khiến tôi phải xuống dàn xếp và nói có thể sẽ không kịp cấp cứu người làng này. Lúc đó họ mới trả để tôi lên xe đến nhà nạn nhân", bà Hinh nhớ lại.

Và rồi nữ tài xế U60 tâm sự, suốt những năm lái xe cứu thương, nếu không có người chồng cùng làm trong ngành y tế thấu hiểu và cảm thông, chắc bà đã không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bận rộn chở bệnh nhân nên tất cả việc nhà cũng như chăm sóc hai con, bà đành nhờ cả ở chồng. Ngày còn đi làm, hàng sáng, bà dậy từ 4h sáng đi chợ mua rau về cho chồng bán thêm ở nhà, mua thức ăn cho ba bố con rồi mới đi làm. Sau này, hai con đã lớn, kinh tế bớt vất vả, vợ chồng bà mới không "tăng gia sản xuất" nữa.

Không chỉ hết lòng với bệnh nhân, bà Hinh còn nhiệt tình mỗi khi đồng nghiệp nhờ. Bởi vậy, dù đã về hưu nhưng mỗi khi ra cơ quan cũ, bà luôn nhận được sự chào đón và tình cảm ấm áp của các đồng nghiệp. Về nghỉ, sức khỏe bà yếu hơn vì mắc nhiều bệnh. Dẫu vậy, mỗi khi nhắc đến những năm tháng lái xe cứu người, bà lại hào hứng và tự hào về công việc của mình và lại muốn cầm vô lăng.

Theo Vnexpress

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này