Cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa 2017”: Tương lai sáng lạn

14:48 | 25/07/2017
Cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa 2017”  đã khép lại tại Hà Nội. Sau 9 năm gián đoạn, cuộc thi đã tìm ra những gương mặt sáng giá, hứa hẹn một thế hệ nghệ sĩ múa đầy tài năng và khát khao sáng tạo.
cuoc thi tai nang bieu dien mua 2017 tuong lai sang lan ​Siêu sao tài năng nhí 2017: Sân chơi mới cho các nhân tài nhí
cuoc thi tai nang bieu dien mua 2017 tuong lai sang lan Giọng hát Việt nhí 2017: Tiên Cookie ngồi ghế đôi cùng Hương Tràm làm HLV

Mong chờ sau 9 năm gián đoạn

Sau 9 năm kể từ cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa năm 2008”, năm nay cuộc thi mới lại được tổ chức. Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 15 đoàn dự thi, 54 thí sinh tham dự với hơn 100 tác phẩm đã được thể hiện. Sau một tuần diễn ra, ban tổ chức đã trao 7 huy chương vàng và 12 huy chương bạc cho các thí sinh xuất sắc.

cuoc thi tai nang bieu dien mua 2017 tuong lai sang lan
Tác phẩm múa “Lụa” do Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi và Văn Thịnh – Đơn vị Đoàn múa Arabesque Dance biểu diễn. Ảnh: Phương Bùi

Theo Ban giám khảo, tiêu chí của cuộc thi là tìm tài năng biểu diễn múa, các thí sinh phải hội tụ 3 yếu tố chủ đạo, đó là: kỹ thuật, kỹ xảo; diễn xuất; và truyền tải được giá trị thẩm mỹ, chuyển tải được cái đẹp của cơ thể, chuyển động của tâm trí và lột tả được hình tượng nhân vật mà tác phẩm muốn hướng tới.

Nghệ thuật múa là một môn nghệ thuật dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt, để phán ảnh các hiện tượng của cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của con người thông qua các nghệ sĩ múa. Nghệ sĩ múa phải được hun đúc từ nhiều năm học tập và rèn luyện cực khổ, nghiêm khắc kỷ luật từ bé.

Những luật động, tạo hình, thẩm mĩ, âm nhạc phải được hình thành hàng ngày thành thói quen trong tâm thức người nghệ sĩ. Do vậy, để trở thành một nghệ sĩ múa thực thụ đứng trên sân khấu có thể thể hiện được những kỹ thuật, kỹ sảo điêu luyện, thể hiện kỹ năng biểu đạt cảm xúc bằng cả tâm trí, cơ thể và diễn xuất là điều vô cùng khó khăn.

Theo NSND Vũ Việt Cường - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, những tài năng từ cuộc thi năm 2008 nay đã trở thành những thầy cô, những nhà biên đạo nổi tiếng như Tạ Thùy Chi, Nguyễn Thị Thanh Hằng...Cuộc thi lần này, chúng ta đã có được một lực lượng hùng hậu cho thế hệ tiếp theo của ngành múa, một số tài năng có thể xứng tầm khu vực.

NSND Vũ Việt Cường tự hào kể về một số cá nhân tiêu biểu như Quỳnh Chi với kỹ năng múa ballet điêu luyện và kỹ thuật tân cổ điển mềm như lụa. Minh Tú sắc sảo, khúc chiết trong diễn xuất, thể hiện nhuần nhuyễn kỹ thuật múa dân gian đương đại. Thế Trung hào sảng với những bước nhảy bay vòng tròn cùng sự đĩnh đạc của múa cổ điển châu Âu.

Hà Tứ Thiên với kỹ thuật múa điêu luyện và khả năng diễn xuất sáng tạo đã cuốn hút được người xem. Quế Anh với độ dẻo đặc biệt và cách tạo hình đẹp. Mai Len với luật động dứt khoát và sắc sảo. Bảo Bảo với kỹ thuật múa mâm điêu luyện và rất nhiều các bạn có những sở trường khác về nhiều mặt...

Trong cuộc thi này, các tác phẩm rất phong phú về thể loại: ballet, tân cổ điển, múa đương đại, múa dân gian đương đại, dân gian và truyền thống. Đề tài cũng rất phong phú và đa dạng, thể hiện được các mặt của cuộc sống. Cũng phải nói rằng, ngoài lực lượng hùng hậu thì trình độ diễn viên khá đồng đều và có chất lượng cao, đa dạng và phong cách.

“Ngoài kỹ năng múa điêu luyện các em còn diễn xuất tinh tế và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới khán giả. Điều được nữa ở đây, tôi cho rằng, các em đã có một sân chơi chuyên môn nghiêm túc, chân thật, thể hiện đúng khả năng của chính mình. Được xem, được học thầy, học bạn, được trải nghiệm quá trình và những phút giây thăng hoa trên sân khấu” – NSND Vũ Việt Cường nhận định.

Đằng sau sự tỏa sáng

Cũng theo NSND Vũ Việt Cường, thường đằng sau cánh gà của cuộc thi khác là những sự ganh đua, những cuộc chiến nhưng với nghề múa thì các em gắn bó như một gia đình, thân ái và giúp đỡ nhau, nhường cơm xẻ áo, có bạn ngã gãy tay bạn khác của đoàn khác thay thế ngay trong một buổi chiều và thí sinh ấy đã hoàn thành được phần thi của mình.

Nhìn thấy các em khổ luyện, đổ mồ hôi sức lực vì nghề và thương yêu lẫn nhau lòng ông cứ run lên. Các em đến với cuộc thi từ mọi miền đất nước: từ Đồng bằng Sông Cửu Long, hay miền Đông Nam Bộ qua thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai, Phú Yên rồi từ Thanh Hóa, Việt Bắc, Hải Phòng, cùng rất nhiều nơi khác cùng tề tựu về đây – Hà Nội trái tim của cả nước.

“Theo tôi, cuộc thi này ai cũng là người chiến thắng, chiến thắng là chiến thắng chính mình, được thử sức với nghề, trân trọng nghề, trân trọng tác phẩm. Xác định mục tiêu, nhìn thấy đỉnh cao hơn để vươn tới. Đằng sau sự tỏa sáng của các em chúng ta thấy được công lao và khả năng của một hệ thống đào tạo, đội ngũ các thầy cô, các biên đạo – những người theo sát các em cùng ăn, cùng ngủ với các em, chăm lo cho các em từng đường nét múa, từng hơi thở của điệu múa. Ngồi đến tận cùng bật ánh sáng, chỉnh âm thanh để một tác phẩm được hoàn chỉnh, được tỏa sáng trên sân khấu” – NSND Vũ Việt Cường cho hay.

Qua cuộc thi này, NSND Vũ Việt Cường cũng mong muốn rằng, các cuộc thi sẽ được tổ chức định kỳ 3 năm một lần để luôn có những thế hệ tài năng biểu diễn múa kế cận liên tiếp, không bị đứt đoạn vì tuổi nghề của nghề múa rất ngắn, thế hệ sau phải được tiếp nối thế hệ trước liên tục và định kỳ.

Bên cạnh đó, các em được giải thưởng sẽ được các cơ quan chức năng tạo điều kiện được tham gia, cọ xát trong các cuộc thi múa, giao lưu nghệ thuật múa trong khu vực và quốc tế. Qua đó các em sẽ trưởng thành và có cơ hội để giới thiệu nghệ thuật Múa Việt Nam tới bạn bè năm châu.

Nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt để gìn giữ và phát triển nhân tài trước hội nhập toàn cầu. Chúng ta cũng cần có những chương trình giảng dạy để phát triển đỉnh cao, đào tạo nghệ sĩ và có chiến lược lâu dài cho các tài năng để có thể phụng sự nghề nghiệp và đất nước.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này