Thiệt hại lớn nếu không cấm sử dụng amiăng

12:55 | 25/07/2017
Dựa trên con số tiêu thụ 60.000 tấn amiăng/năm hiện nay của Việt Nam có thể ước tính, 25 năm tới sẽ có 300 ca ung thư trung biểu mô mỗi năm; 1.200 - 1.800 ca ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng trắng. 
thiet hai lon neu khong cam su dung amiang Không sử dụng amiăng sẽ tránh được nhiều bệnh
thiet hai lon neu khong cam su dung amiang Thịt đỏ gây nguy cơ ung thư ngang với thuốc lá
thiet hai lon neu khong cam su dung amiang Sẽ cấm sử dụng hoàn toàn Amiăng tại Việt Nam

Bên cạnh những thiệt hại về người, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí, môi trường... Đó là những cảnh báo mới nhất về tính nguy hiểm của amiăng (gồm cả amiăng trắng), nếu Việt Nam không sớm có lộ trình tiến tới nghiêm cấm sử dụng amiăng.

thiet hai lon neu khong cam su dung amiang
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Việc sử dụng amiăng cần sớm loại bỏ. (Ảnh Lan Ngọc)

Doanh nghiệp và người lao động: Còn thờ ơ

Tại Hội thảo “Chia sẻ thông tin nhằm tiến tới dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020” do Tổng LĐLĐVN phối hợp Tổ chức Nhân dân Úc về Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA) tại Hà Nội tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Canada, Úc, Nhật và Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết: Thời gian gần đây, vấn đề amiăng và sức khoẻ con người được đưa ra bàn thảo rất nhiều, nhất là sau khi Bộ Y tế có Tờ trình gửi Chính phủ về “Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Đồng thuận với quan điểm cần nâng cao dần nhận thức của cộng đồng về nguy hại của amiăng và đánh giá sự cần thiết của cuộc hội thảo do Tổng LĐLĐVN tổ chức, GS.TS Lê Vân Trình- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động nhấn mạnh:

“Dù sớm hay muộn, dù muốn hay không, chắc chắn Việt Nam chúng ta phải theo xu hướng của thế giới, tiến tới không sử dụng amiăng trong sản xuất.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ có lộ trình tiến tới cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp fibroximăng ở Việt Nam vào năm 2020.

Báo cáo của Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho thấy: Amiăng được con người biết đến khai thác và sử dụng rộng rãi từ rất lâu trong sản xuất, đời sống. Ước tính, amiăng trắng có mặt trong hơn 3.000 loại sản phẩm ứng dụng như tấm lợp fibroximăng, má phanh, miếng đệm, đóng tàu biển, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt độ cao (nồi hơi, lò nung) các đường ống ngầm….

Còn theo tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới nay, amiăng được coi là một trong những chất gây ung thư có liên quan nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.

Ước tính cứ 170 tấn amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất 1 ca tử vong do ung thư trung biểu mô.... WHO cảnh báo, hiện có khoảng 125 triệu người trên thế giới đang bị phơi nhiễm amiăng tại nơi làm việc và mỗi năm, thế giới có 107.000 người chết do các bệnh liên quan tới amiăng, bao gồm: 41.000 người chết vì ung thư phổi, 7.000 người chết vì bụi phổi và 59.000 người bị ung thư trung biểu mô. Trong đó, 80% các trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng.

Tại Việt Nam, theo thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ amiăng trắng nhiều nhất thế giới tính về khối lượng (với lượng nhập khẩu hàng năm khoảng 65.000-70.000 tấn amiăng trắng) và đứng thứ 7 trên thế giới về tỷ lệ bình quân đầu người sử dụng amiăng.

Cả nước có trên 40 cơ sở sản xuất tấm lợp fibroximăng, năng lực sản xuất khoảng 106 triệu m2/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động. Thực trạng môi trường lao động trong các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibroximăng ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Bụi, khí thải, nước thải và chất thải rắn.

Song, các doanh nghiệp chưa chủ động thực hiện quản lý sức khoẻ và đánh giá nguy cơ an toàn vệ sinh lao động, chưa thường xuyên tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chưa doanh nghiệp nào quy định bắt buộc việc khử bụi amiăng sau ca sản xuất; đồng thời cũng chưa doanh nghiệp nào thực hiện cảnh báo cho người lao động về những ảnh hưởng của amiăng và biện pháp phòng tránh…

Cần tuyên truyền mạnh, tiến tới ngừng sử dụng

Các Tổ chức Y tế như: Cục Y tế môi trường (Bộ Y tế), WHO, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Liên minh Châu Âu đã ban hành hàng loạt các chỉ thị, quy định cụ thể mang tính pháp lý đối với việc sản xuất và sử dụng amiăng và đều khẳng định tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng là chất gây ung thư cho con người và không có ngưỡng an toàn trong việc sử dụng amiăng. Cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng là ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng.

Ông Phillip Hazelton- Điều phối viên chiến dịch cần loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng trắng của APHEDA tại Việt Nam cảnh báo: Dựa trên con số tiêu thụ 60.000 tấn/năm hiện nay của Việt Nam có thể ước tính, trong 25 năm tới sẽ có: 300 ca ung thư trung biểu mô mỗi năm; 1.200-1.800 ca ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng trắng.

Bên cạnh những thiệt hại về người cho mỗi năm trì hoãn cấm amiăng, ông Phillip Hazelton cũng chỉ ra những chi phí lớn mà Việt Nam phải đối mặt nếu trì hoãn cấm amiăng tại Việt Nam: Hơn 10 năm có thể dự đoán được 15.000-21.000 ca chỉ ung thư phổi/ung thư biểu mô.

Trong khi đó, chi phí gia đình chăm sóc và điều trị cho 1 bệnh nhân ung thư trung biểu mô ở Hà Nội hiện nay là 200 triệu đồng. “Nếu Việt Nam cấm vào năm 2020 và tuyên truyền cho người dân việc dỡ bỏ và loại bỏ an toàn các vật liệu chứa amiăng thì nhiều ca tử vong sẽ tránh được và tiết kiệm được chi phí liên quan”, ông Phillip Hazelton khẳng định.

Là đơn vị đầu tiên trong hệ thống Công đoàn, cũng là hoạt động duy nhất được thực hiện tại Nghệ An về thí điểm mô hình thay thế tấm lợp fibroximăng từ tháng 2/2017, ông Nguyễn Chí Công- Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Sau tuyên truyền, mặc dù nhận thức được tác hại của amiăng, tuy nhiên, phần lớn các hộ sử dụng tấm lợp fibroximăng là lao động tự do, thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của APHEDA, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã thay thế tấm lợp fibroximăng bằng mái tôn cho 10 hộ gia đình ở khối 3 phường Trung Đô, TP Vinh. Hiệu quả của hoạt động này đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và cơ quan chức năng trên địa bàn về việc sử dụng tấm lợp fibroximăng và amiăng.

“Đến nay, trong các hoạt động của mình, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã quyết định nói không với tấm lợp có sử dụng amiăng khi triển khai các dự án hỗ trợ xây dựng nhà công vụ, nhà ở bán trú cho học sinh miền núi cao. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đang hỗ trợ xây dựng nhà bán trú cho học sinh tại huyện Kỳ Sơn - nơi phong tục hay sử dụng tấm lợp fibroximăng, nhưng LĐLĐ tỉnh đã quyết định thay thế bằng tấm lợp tôn thay thế dù giá thành cao hơn”, ông Nguyễn Chí Công cho biết.

Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Công kiến nghị: Cần tiếp tục sử dụng nhiều hình thức để tuyên truyền sự ảnh hưởng của amiăng đến với cộng đồng dân cư và người lao động. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ ban hành quy trình xử lý chất thải có chứa amiăng để thuận lợi cho việc triển khai trong thực tế bởi hiện nay các công ty môi trường đô thị chưa có quy trình xử lý các chất thải có chứa amiăng.

Đồng thuận với quan điểm cần nâng cao dần nhận thức của cộng đồng về nguy hại của amiăng và đánh giá sự cần thiết của cuộc hội thảo do Tổng LĐLĐVN tổ chức, GS.TS Lê Vân Trình- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động nhấn mạnh: “Dù sớm hay muộn, dù muốn hay không, chắc chắn Việt Nam chúng ta phải theo xu hướng của thế giới, tiến tới không sử dụng amiăng trong sản xuất. Vấn đề cần quan tâm chính hiện nay là sức khỏe của người lao động và hậu quả sau này, vì vậy, mặc dù việc đưa ra kế hoạch hành động lúc này đã muộn, nhưng rất đáng được trân trọng vì tính cần thiết của nó trong việc bảo vệ sức khỏe người lao động và cộng đồng”.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này