Dẹp nạn đổ trộm phế thải xây dựng ở Mễ Trì, Hà Nội: “Liều thuốc” hiệu quả

09:36 | 25/07/2017
Trong khi nhiều địa phương “đau đầu” giải quyết vấn nạn đổ trộm phế thải xây dựng thì ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) một giải pháp tạm thời nhưng đang mang lại những hiệu quả tích cực đã được triển khai.
lieu thuoc hieu qua Phế thải đổ tràn lan dưới tuyến đường sắt trên cao đoạn phố Hào Nam
lieu thuoc hieu qua Xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều ở quận Tây Hồ

Tràn lan vi phạm

Theo tìm hiểu, hiện phần lớn rác, phế thải xây dựng của Thủ đô được chuyển tới bốn bãi tập kết nằm ở ngoại thành. Những bãi này do các đơn vị vệ sinh môi trường xã hội hóa phối hợp với chủ sở hữu đất lập ra để chôn lấp là: Vân Nội, Nguyên Khê (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thường Tín) và bãi tại huyện Đan Phượng...

Tuy nhiên, có một thực tế hiện các bến bãi tập kết trên nằm ở khá xa và bắt đầu có dấu hiệu quá tải trong khi đó nhu cầu “xả thải” của người dân vẫn rất cao, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển hạ tầng mạnh như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm…

lieu thuoc hieu qua
Phường Mễ Trì đã dành hẳn một khu đất trống, quây lợp rào tôn để người dân đổ phế thải xây dựng khi có nhu cầu. (Ảnh Đinh Luyện)

Ở Hà Đông, các điểm được coi là “nóng” về vấn đề này có thể kể đến khu vực ven tuyến đường từ cổng của Khu Công viên Thể thao cây xanh của quận giáp với khu đô thị Văn Phú. Đoạn ven tuyến đường mới, chạy dọc khu đô thị Xa La và khu đô thị Thanh Hà cũng là một điểm thường xuyên tái diễn tình trạng đổ trộm phế thải.

Tương tự, khu vực phường Trung Văn, trên trục đường Lương Thế Vinh, đoạn ngay sát một trường học dù có biển cấm của công an phường nhưng vẫn trở thành một “điểm đen” chứa rác. Đáng chú ý, cũng ngay cuối trục đường trên nhưng thuộc phường Mễ Trì, đoạn cắt giao từ khu dân cư ra tuyến đường vành đai 3 cũng tồn ứ, la liệt nhiều đống phế thải xây dựng.

Không dừng lại ở mức đổ trộm, “phế thải tặc” còn hoạt động lén lút, nhiều khu vực chúng còn hoạt động khá công khai, manh động và chống đối chính quyền. Khu đất nông nghiệp số 5 Đại lộ Thăng Long ở Nam Từ Liêm là một ví dụ. Một diện tích lớn khu vực này hiện đã bị san lấp bằng phế thải. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, chính quyền sở tại đã phải sử dụng phương án quây tôn xung quanh khu đất, thường xuyên tuần tra, giải tỏa các vi phạm, lấn chiếm. Xử lý mạnh là vậy, nhưng hễ vắng bóng lực lượng chức năng “phế thải tặc” lại lộng hành. Chúng táo tợn đến mức cắt khóa, tiếp tục đổ rác, phế thải vào khu đất.

Mô hình hay cần nhân rộng

Xoay quanh câu trả lời cho “bài toán” xử lý tận gốc nạn đổ trộm phế thải, có thể thấy hiện việc phát hiện, xử lý vi phạm trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao một phần do thủ đoạn đối phó tinh vi của các đối tượng vi phạm. Mặt khác, do lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn rộng, nhiều tuyến đường ít người qua lại nên việc đổ lén phế thải rất khó bắt quả tang.

Chưa hết, hiện việc xử lý đối tượng đổ trộm phế thải vẫn còn tồn tại “lỗ hổng” đó là sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Nói cách khác, hiện việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành như: Thanh tra Giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng... các đơn vị thuộc cấp địa phương như phường, xã – nơi nắm và quản lý địa bàn lại không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Nhắc chuyện này, một cán bộ cấp phường ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Phường không có thẩm quyền thu dọn rác, phế thải xây dựng và phường cũng không đủ thẩm quyền để bắt các đối tượng này”.

Đó là cấp quản lý, nhưng ngay từ phía người dân dường như công tác tuyên truyền về vấn đề trên vẫn đang tồn tại những bất cập nhất định. Mặc dù Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên đia bàn trong đó nhấn mạnh các chủ đầu tư xây dựng công trình trước khi khởi công phải có trách nhiệm gửi thông báo đến UBND cấp xã, Đội thanh tra xây dựng UBND cấp huyện.

Ngoài các hồ sơ thông báo khởi công phải kèm theo hợp đồng ký kết với nhà thầu có đủ điều kiện năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và phải có bản cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, đa phần người dân khi xây dựng nhà ở họ chỉ biết thuê đội ngũ vận chuyển phế liệu xây dựng đến dọn dẹp. Nhưng khi hỏi sâu hơn về “đường đi” của nguồn thải này thì người dân đều tỏ ra không quan tâm vì đã “tiền trao cháo múc” với đội ngũ vận chuyển.

Liên quan đến câu chuyện xử lý nạn “phế thải tặc”, khi tìm hiểu vấn đề trên địa bàn phường Mễ Trì (Q. Nam Từ Liêm) người viết tình cờ biết được một phương cách tạm thời nhưng đang phát huy được hiệu quả nhất định ở địa phương này. Đó là việc mở một điểm tập kết phế thải xây dựng tạm thời.

Theo ông Hứa Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, có thời điểm tình trạng đổ trộm, tập kết trái phép phế thải xây dựng diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng đổ trộm phế thải thường là người ngoài địa phương nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền và xử lý. “Tình trạng đổ trộm phế thải là do trên địa bàn phường còn rất nhiều các khu đất đã quy hoạch dự án nhưng chưa triển khai, để hoang hóa và chưa có các biện pháp quản lý đất. Bởi thế nên các đối tượng đã lợi dụng để đổ trộm vào ban đêm và sáng sớm. Điều này gây nhiều khó khăn cho quản lý của chính quyền và công an” – ông Minh chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch phường Mễ Trì, do trên địa bàn phường có nhiều công trình xây dựng nên bên cạnh việc đốc thúc, mật phục, thường xuyên báo cáo các vi phạm nảy sinh cho công an quận xử lý thì nhiều tháng nay đơn vị này còn dành hẳn một khu đất để người dân có thể tạm thời tập kết phế thải xây dựng. Bãi tập kết này nằm ở khu đất trống, cách UBND phường 700m. Ông Hứa Đức Minh khái lược: “Với các dự án xây dựng trên địa bàn, phường đã bố trí 1 điểm tập kết để khi nhân dân có nhu cầu xây dựng, người ta có thể đổ ra đó. Sau khi tập kết ở điểm đó sẽ có đơn vị chuyên trách dọn đi”.

Trong khi chờ những “liều thuốc” công hiệu hơn để chữa tận gốc nạn đổ trộm rác, phế thải xây dựng thì rõ ràng giải pháp tạm thời của Mễ Trì có thể coi là khả thi và có thể nhân rộng ra nhiều địa phương nếu có quỹ đất phù hợp. Về lâu dài, thiết nghĩ Thành phố nên sớm quy hoạch, xây dựng thêm các khu tập kết phế thải xây dựng chung. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các đơn vị trực tiếp xử lý phế thải xây dựng. Với việc đồng bộ nhiều giải pháp như vậy, tin chắc nạn “phế thải tặc” sẽ sớm không còn nhức nhối.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này