Bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc :

Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương nói gì?

17:30 | 18/07/2017
Vừa qua, một số bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), phản ánh ngoài việc nhận đơn thuốc, họ còn được các bác sĩ kê cả thực phẩm chức năng (TPCN) mỹ phẩm để sử dụng kèm với mức giá đắt đỏ. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế thì khi bác sĩ kê đơn thuốc không được phép kê TPCN. 
giam doc benh vien noi gi Yêu cầu xác minh thông tin trẻ em bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu
giam doc benh vien noi gi
Phiếu thu tiền của bệnh nhân M. có kê TPCN có giá hơn 2 triệu đồng.

Trao đổi về vấn đề này với báo chí ngày 13/7, PGS TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đặc thù của da liễu không giống các chuyên ngành khác, nên việc kê đơn thuốc cũng có khác nhau. Ví dụ, những bệnh như sạm da, rụng tóc, rám má, khô da, vảy nến… nếu chỉ điều trị bằng dùng thuốc là không khỏi, không triệt để.

Bên cạnh đó, bệnh da liễu có nhiều loại, trong đó có tới 1/3 số bệnh là thiếu hụt vitamin. Trong khi đó, đối với bệnh da liễu, 90% cần vitamin để bổ sung trong quá trình điều trị. Ví dụ, nếu thiếu Vitamin B5 thì gây rụng tóc, thiếu Biotin gây trứng cá… do vậy nếu bác sĩ không kê những vi chất này vào đơn thuốc, bệnh nhân không khỏi được bệnh.

Giám đốc Nguyễn Văn Thường dẫn chứng thêm, ví như bệnh nhân bị vi rút Zona thì bác sĩ chắc chắn cho liều cao Vitamin 3B. Người bình thường uống 3 viên, người bệnh có khi phải uống 30 viên, thậm chí phải tiêm. Trước đây, phần lớn những loại vitamin này được coi là thuốc, nay quy định là thực TPCN. Ngoài ra, một số loại, ở các nước khác vẫn quy định là thuốc nhưng Việt Nam lại là TPCN.

Theo đơn mà bác sĩ kê cho chị Bùi Thị M… (Đông Anh, Hà Nội) bị bệnh bạch biến, sau khi đi khám, ngoài đơn thuốc, bác sĩ còn kê đơn tư vấn có cả TPCN. Sau khi mua thuốc, bệnh nhân M. thanh toán cả 2 đơn hết hơn 2,7 triệu đồng. Trong đó, chỉ có khoảng 400 nghìn đồng tiền thuốc, còn lại là TPCN (Glutamax có giá 2.2 triệu đồng).

Giám đốc Nguyễn Văn Thường cũng khẳng định: “Bệnh ngoài da thì phải bôi thuốc, nhưng hiện nay 1.000 loại sản phẩm thì chỉ có khoảng 10 loại là thuốc, còn lại đều là mỹ phẩm. Những dược phẩm chức năng đó, ví dụ như kem chống nắng thuộc loại mỹ phẩm, hay các loại bôi chống ngứa, chống rụng tóc... thì có tới trên 90% là mỹ phẩm. Trong nhà thuốc, những loại gọi là thuốc để bôi rất ít. Hiện tại theo cơ chế mới là không có, quy định mới có nhiều bất cập”.

Bởi vậy, theo Giám đốc Nguyễn Văn Thường, vì phục vụ người bệnh nên các bác sĩ da liễu buộc phải kê các loại này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không quên Thông tư 05/2016 (Bộ Y tế) về việc không được kê thuốc bổ trợ gồm có TPCN và dược mỹ phẩm vào đơn thuốc. Mặc dù vậy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng thừa nhận do có thể bác sĩ quá bận không giải thích kỹ cho bệnh nhân hiểu về việc đơn thuốc và đơn tư vấn.

Thực tế, có những ngày Bệnh viện Da liễu Trung ương đón tiếp 2000 bệnh nhân, nên bác sĩ không có thời gian tư vấn kỹ, dẫn đến sự giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân chưa được nhiều, gây hiểu lầm cho người bệnh. Qua sự việc bệnh nhân phản ánh, PGS Nguyễn Văn Thường cho biết sẽ có văn bản yêu cầu các khoa phòng, bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân kỹ hơn. “Tôi cũng yêu cầu bác sĩ phải tư vấn kỹ cho bệnh nhân. Bệnh nhân có tiền thì mua luôn, không thì mua sau cũng được, nhưng điều quan trọng, bác sĩ phải giải thích rõ”- PGS Nguyễn Văn Thường thông tin thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này