Lo vỡ quỹ, Bảo hiểm xã hội muốn ấn định mức chi bảo hiểm y tế cho từng địa phương

09:49 | 15/07/2017
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi một loạt các địa phương, trong đó đề xuất phương án ấn định mức chi trả bảo hiểm y tế cho từng địa phương, thay vì cơ quan này phải chi trả toàn bộ như trước đây. Lý do, rất nhiều địa phương có số chi bảo hiểm lớn hơn nhiều so với mức thu, khiến tổng quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ.
lo vo quy bao hiem xa hoi muon an dinh muc chi bao hiem y te cho tung dia phuong Hà Nội: Nợ bảo hiểm xã hội tăng cao, chiếm 11,3% số phải thu
lo vo quy bao hiem xa hoi muon an dinh muc chi bao hiem y te cho tung dia phuong Từ 1/7/2017: Các chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện ra sao?
lo vo quy bao hiem xa hoi muon an dinh muc chi bao hiem y te cho tung dia phuong
Điều trị cột sống cho bệnh nhân tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiến bộ vào khám-chữa bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí bảo hiểm y tế tăng cao. Ảnh: CTV

Chi tăng nhưng thu không tăng

Năm 2016, thu bảo hiểm y tế của Quảng Ninh đạt trên 1.069 tỉ đồng, nhưng mức chi lên tới 1.409 tỉ đồng, vượt số thu 340 tỉ đồng – 1 trong 5 tỉnh, thành có mức bội chi lớn nhất cả nước. Dự tính, năm nay, con số bội chi có thể ở mức 600 tỉ đồng.

Theo ông Vũ Xuân Hiển – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bội chi, không chỉ riêng ở Quảng Ninh, là do cơ chế, chính sách, trong đó quyền lợi khám-chữa bệnh của người dân được mở rộng, nhưng mức đóng bảo hiểm thì không tăng.

Hơn nữa, với điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, Quảng Ninh luôn đầu tư rất lớn cho ngành y tế, trong đó đưa vào nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao, hiện đại để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều này, theo ông Vũ Văn Diện – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh – khiến chi phí bảo hiểm tăng cao do kỹ thuật cao thì giá sẽ cao và chất lượng cao nên người dân Quảng Ninh có xu hướng sử dụng y tế công nhiều hơn, thay vì đến các cơ sở y tế tư nhân.

Ông Trịnh Văn Mạnh – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh – cho biết, năm 2016, đơn vị này bội chi 78 tỉ đồng, chủ yếu do giá các loại thuốc bảo hiểm tăng và việc áp dụng nhiều các kỹ thuật mới để khám-chữa bệnh.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Xuân Hiển, còn có những nguyên nhân chủ quan, như ngành y tế và bảo hiểm phối hợp với nhau chưa thực sự chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng quỹ hiệu quả.

“Trong đó, ngành y tế chỉ định sử dụng các xét nghiệm, như xét nghiệm máu, chiếu chụp… tương đối rộng rãi. Số lượng khám chữa bệnh nội trú của Quảng Ninh cũng cao hơn cả nước, cứ 100 bệnh nhân thì có 26 người điều trị nội trú, trong khi cả nước chỉ có 13/100. Khi thực sự cần thiết thì mới nên đưa vào điều trị nội trú, nếu nhẹ thì chỉ cần khám, cấp thuốc và về nhà điều trị sẽ giúp giảm chi phí điều trị. Thống kê cho thấy, tại Quảng Ninh một đợt điều trị nội trú hết 3,4 triệu đồng/bệnh nhân, trong khi đó một lần khám chữa bệnh ngoại trú chưa hết 300.000 đồng” – ông Hiển chia sẻ.

Theo ông Hiển, câu chuyện bội chi quỹ bảo hiểm y tế của Quảng Ninh cũng giống với các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố lớn. Tính đến nay, đã có 45 tỉnh, thành bội chi quỹ bảo hiểm y tế và với tình hình này, năm nay có thể sẽ lên đến trên 60 địa phương.

Hiện, mức đóng bảo hiểm y tế bình quân trên toàn quốc là 1 triệu đồng/thẻ/năm, nhưng mức chi là 1,3 triệu đồng/thẻ.

Cùng nhau tháo gỡ

Theo ông Vũ Xuân Hiển – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ giao quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng cho từng địa phương, trên cơ sở số thu. Ví dụ: Quảng Ninh có 1.134.000 thẻ bảo hiểm y tế thì tương đương quỹ 1.064 tỉ đồng- nghĩa là thấp hơn vài trăm tỉ đồng so với mức chi thực của tỉnh này.

Dù chia sẻ gánh nặng với ngành bảo hiểm, nhưng ông Trịnh Văn Mạnh – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh – lo ngại, việc áp định mức chi bảo hiểm y tế cho từng địa phương có thể sẽ khiến các bệnh viện không muốn triển khai các kỹ thuật tốt để khám-chữa bệnh cho người dân.

lo vo quy bao hiem xa hoi muon an dinh muc chi bao hiem y te cho tung dia phuong
Làm thủ tục thanh toán viện phí tại BV Sản nhi Quảng Ninh. Ảnh: CTV

Trong công văn gửi các bộ, ngành liên quan, một số sở y tế đều đặt câu hỏi, việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tự đưa ra chủ trương áp định mức chi trả phí bảo hiểm cho từng địa phương có đúng thẩm quyền và ngành y tế có phải chấp hành không?

Hơn nữa, căn cứ theo Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng không đúng khi yêu cầu, trong trường hợp bội chi vì nguyên nhân khách quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét bù đắp từ ngân sách địa phương; trong trường hợp ngân sách địa phương không đủ bố trí, thì đề nghị chủ tịch UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Dư luận cho rằng giao như thế không đúng, nhưng đây là giải pháp căn cơ để quản lý quỹ, chứ tiêu thoải mái thì làm sao quản lý được quỹ. Cân đối quỹ là trách nhiệm của ngành y tế, của bảo hiểm và cả chính quyền nữa, trong cùng hệ thống chính trị. Nguyên tắc của bảo hiểm là mức đóng phải phù hợp với mức hưởng. Đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” – Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quảng Ninh Vũ Xuân Hiển chia sẻ.

Cũng theo ông Hiển, nhằm góp phần giảm bội chi, trước mắt, ngành bảo hiểm và y tế sẽ tăng cường phối hợp với nhau xây dựng phương án sử dụng quỹ hợp lý, hiệu quả; giám định, kiểm tra chặt chẽ việc khám chữa bệnh nội trú; giám định bằng phần mềm liên thông dữ liệu giữa bảo hiểm và bệnh viện để quản lý chặt chi phí bảo hiểm y tế.

Về mặt chính sách, ngành bảo hiểm sẽ có kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp. Trong đó, mở rộng quyền lợi của người dân thì cũng phải nghiên cứu điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm. Mức đóng theo luật bảo hiểm y tế là 6% nhưng hiện tại mới chỉ đóng 4,5%.

Theo Nguyễn Hùng/laodong.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này