Chợ cóc, chợ tạm:

Dẹp mãi không xong, vì sao?

10:12 | 14/07/2017
Mới sớm tinh mơ trên mọi ngõ, ngách của Thành phố đã tấp nập kẻ mua người bán. Trong đó, sự hiện diện của chợ cóc, chợ tạm vốn gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông là tấp nập nhất. Mặc dù, cơ quan chức năng đã xây dựng đề án quy hoạch chợ cóc, chợ tạm từ năm 1998, nhưng cứ dẹp nơi này, chợ lại mọc ở nơi khác.
dep mai khong xong vi sao Lại tái diễn chợ cóc tại khu chung cư mới
dep mai khong xong vi sao Chợ cóc gây cản trở giao thông

Dẹp chỗ này, mọc chỗ kia

Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến Công tác quản lý nhà nước cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Cuối năm 2016, Hà Nội có 52 chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng đầu năm 2017, thống kê sơ bộ lại có đến 213 chợ cóc, chợ tạm mới “mọc lên” ngay sau dịp tết Nguyên Đán.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiên quyết trong công tác xử lý. Trong quá trình xử lý vi phạm nếu không báo cáo kịp thời, để phát sinh chợ cóc, chợ tạm thì đội quản lý thị trường tại khu vực đó phải chịu trách nhiệm. Nhờ có biện pháp này đến nay, Sở Công Thương và các quận huyện đã xử lý được 94 chợ cóc, chợ tạm.

dep mai khong xong vi sao
Từ con phố to đến ngõ nhỏ, sự hiện diện của chợ cóc, chợ tạm đã gây mất vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị từ nhiều năm qua.

Trên thực tế, theo khảo sát của PV, từ con phố to đến ngõ nhỏ trên khắp địa bàn Thành phố, chỉ dăm ba cái xe thồ chở thực phẩm tập trung ở một lề đường là có thể họp thành một cái chợ cóc. Sự hiện diện của chợ cóc, chợ tạm đã gây mất vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cũng thừa nhận: “Việc xử lý triệt để chợ cóc, chợ tạm là một bài toán khó do phong tục, tập quán mua bán của người dân, kỷ cương chưa nghiêm và quá trình vận động người dân chưa đạt yêu cầu. Tại một số chợ dân sinh do doanh nghiệp đầu tư, công tác quản lý, khai thác lại đưa ra mức giá thuê địa điểm bán hàng cao gấp 3 - 5 lần so với trước, khiến nhiều tiểu thương không muốn vào kinh doanh. Đây là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng chợ cóc liên tục mọc lên”.

Về tình trạng tái họp chợ sau khi giải tỏa vẫn diễn ra, đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, chính quyền tại một số địa phương đôi lúc còn chưa quyết liệt, công tác giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm còn chưa triệt để dẫn đến tình trạng tái phát và phát sinh mới các tụ diểm chợ cóc với quy mô nhỏ. Đặc biệt nhiều quận, huyện, thị xã vẫn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp, quản lý, đề xuất các điểm phù hợp để UBND TP cho phép bố trí các hộ kinh doanh vào hoạt động.

Khó kêu gọi đầu tư

Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương, thống kê đến thời điểm hiện tại, có 130 doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư chợ nhưng không có lãi.

Do vậy, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này không được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư chợ đang gặp khó khăn do liên quan đến Quyết định 40/2015/QĐ-TTg quy định các tỉnh, thành phố không gặp khó khăn thì không được dùng ngân sách đầu tư tập trung.

Nhiều chuyên gia cho rằng để giảm tải được chợ cóc, chợ tạm thì trước hết phải giải được bài toán chợ dân sinh. Chợ dân sinh có vai trò không thể thiếu được trong đô thị ít nhất trong khoảng 30 đến 50 năm tới. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nhà nước nên coi việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác chợ dân sinh như mô hình dịch vụ công để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước - thương nhân – doanh nghiệp và nhu cầu của người dân. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch chuyển đổi 14 mô hình chợ giai đoạn 2012 - 2015, nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, không thực hiện được. Cả thời gian đó trên địa bàn Thành phố chỉ thực hiện được 11 mô hình chợ.

Không những thế, bài toán kêu gọi đầu tư cũng là vấn đề nan giải cần được tháo gỡ. Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương, thống kê đến thời điểm hiện tại, có 130 doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư chợ nhưng không có lãi. Do vậy, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này không được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư chợ đang gặp khó khăn do liên quan đến Quyết định 40/2015/QĐ-TTg quy định các tỉnh, thành phố không gặp khó khăn thì không được dùng ngân sách đầu tư tập trung. “Hiện đang có 83 chợ trong diện cấp bách phải cải tạo nhưng không thể sử dụng vốn ngân sách, vì vậy theo chủ trương của thành phố, các quận, huyện, thị xã có thể dùng ngân sách của mình để đầu tư cải tạo hệ thống chợ, mở đường góp phần tăng hiệu quả kinh tế cũng như ngăn chặn chợ cóc bùng phát” – đại diện Sở Công Thương cho hay.

Thực tế, với tính tự phát, cùng với thói quen của người tiêu dùng muốn mua bán nhanh gọn, thuận tiện tại nơi cư trú hay trên tuyến đường giao thông thì rõ ràng quản lý chợ cóc, chợ tạm không đơn giản chỉ cần mỗi thiết chế. Bài toán dung hòa để hợp lòng dân không dễ dàng với những người làm chính sách, theo guồng quay của nhịp sống đô thị, thói quen tiêu dùng đó cũng sẽ phải thích nghi với nhu cầu của sự phát triển. Và do đó, chỉ với sự ý thức trên tinh thần hợp tác xây dựng của mỗi cá nhân và chính quyền của mỗi khu phố mới có thể trả lại cho Thủ đô những con phố văn minh, hiện đại với nét đẹp vốn có của nó.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này