Kê khai tài sản và phòng chống tham nhũng:

Sẽ không còn chỗ cho sự gian dối

10:10 | 13/07/2017
Thời gian gần đây, việc cơ quan chức năng phát hiện và dư luận phản ánh về hàng loạt trường hợp quan chức ở một số tỉnh kê khai tài sản không trung thực đã một lần nữa cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có rất nhiều vấn đề. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra – Thanh tra Chính phủ xung quanh vấn đề trên.
tin nhap 20170713100433 Không để phát sinh khiếu kiện kéo dài thành điểm nóng
tin nhap 20170713100433 Cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng
tin nhap 20170713100433 Hoàn thiện công tác phòng chống tham nhũng
tin nhap 20170713100433 Năm 2017: Sẽ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án lớn

Theo TS Đinh Văn Minh, minh bạch tài sản, thu nhập, kê khai tài sản, giám sát, kiểm tra việc kê khai tài sản… chỉ là một trong nhiều công cụ phòng, chống tham nhũng (PCTN). Hoàn thiện các công cụ ấy là quá trình song song với sự phát triển của đất nước, với sự nâng lên dần trình độ quản trị quốc gia trên một nền tảng đạo đức xã hội với những giá trị cốt lõi được đề cao... Rồi sẽ đến lúc, tham nhũng ở ta không thể trắng trợn, bất chấp, phô trương bằng của nổi, bằng biệt phủ, lâu đài… được. Có thể rồi tiền tham, lạm được chẳng thể gửi ngân hàng mà phải nhét dưới gầm giường, hay đào hầm chôn trong nhà như đang diễn ra ở một số nước…

Vậy thưa ông, những biệt phủ ở Yên Bái, “lâu đài” ở Sơn La… hay hiện tượng cả họ làm quan ở Bắc Ninh, Hà Giang thời gian gần đây là những vấn đề đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ông nhìn nhận thế nào về phản ứng của người dân?

Có thể thấy, đây là biểu hiện tích cực của công tác PCTN. Tự đánh giá thì ta thấy chưa ngăn chặn, đẩy lùi như mong muốn nhưng việc người dân, dư luận quan tâm nhiều hơn, phản ứng nhiều hơn, thông tin nhiều hơn về tài sản của cán bộ, công chức thì đó là biểu hiện tích cực. Điều này cho thấy phía xã hội ngày càng đòi hỏi hơn về minh bạch, phản ứng mạnh mẽ hơn về những biểu hiện không bình thường và ngược lại Nhà nước cũng lắng nghe và nhanh chóng có những hành động quyết liệt để xử lý, thể hiện quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

Xã hội vỗ tay, trầm trồ với những “đại gia”giàu có, làm ăn nghiêm túc, thế nhưng trong một xã hội mà quan chức, lãnh đạo giàu có lại còn khoa trương thì người ta sẽ bi quan. Nó càng đúng với Việt Nam, khi lãnh đạo thì đều là đảng viên, mà đảng viên thì phải gương mẫu, sống chan hòa, gần gũi với người dân còn nhiều kham khó. Quan chức mà sống xa hoa theo kiểu vua quan thời phong kiến trong một địa phương như Yên Bái, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì toàn quốc, một tỉnh thường xuyên trông chờ vào trợ cấp của Trung ương là điều không thể chấp nhận được.

tin nhap 20170713100433
TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra – Thanh tra Chính phủ.

Với quy định pháp luật như hiện nay, liệu có cách nào xác minh được những khối tài sản của quan chức sở hữu không, thưa ông?

Thực ra, nếu muốn thì không có gì là khó cả, bởi việc xác minh cũng giống như các cơ quan điều tra. Nếu anh nói tài sản đó là do kinh doanh thì có nộp thuế không, hoặc anh nói sản xuất thì phải có bạn hàng, người bán người mua, lời lãi một vài chục triệu đồng thì dễ nhưng đến tiền tỉ thì không thể nói như thể trên trời rơi xuống. Hoặc anh nói vay chỗ này chỗ kia thì phải có chứng từ của ngân hàng, phải có tài sản thế chấp, phải chứng minh thu nhập hằng tháng là bao nhiêu thì mới được vay hàng tỉ bạc như thế.

Để xác minh những việc này, tôi cho rằng có 2 yếu tố quan trọng là hợp lý và hợp tình, tức là có cái thì anh có thể chứng minh bằng các tài liệu, thông tin, sổ sách; có những cái không có bằng chứng cụ thể nhưng sự giải thích là hợp lý, nói để làm sao người ta còn nghe được. Không ai cấm cán bộ công chức làm thêm cả, do đồng lương chưa bảo đảm thì họ lao động sản xuất, thậm chí họ có thể mua bán cổ phiếu cổ phần hay mua nhà xong bán lại để kiếm lời, miễn là những công việc này không ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc thực thi công vụ. Nhưng những lợi ích đó ở mức độ nào còn chấp nhận được, còn nói tài sản hàng chục tỉ khủng khiếp như thế từ việc tham gia các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ thì về mặt logic của cuộc sống, đã khiến người ta không thể nghe được. Sự đánh giá của người dân và xã hội bao giờ cũng có tính hợp lý của nó, cái đó thì ai cũng có thể luận được.

Luật không quy định anh kê khai tài sản nói rõ nguồn gốc ở đâu nhưng khi tài sản của anh đã bị phản ánh có sự không bình thường và cơ quan chức năng vào cuộc thì anh phải có trách nhiệm giải trình, còn lại cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để người ta xem có hợp lý hay không.

Được biết, Thanh tra Chính phủ đang tham mưu sửa Luật PCTN. Xin ông cho biết, vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập được đánh giá thế nào?

Nếu nhìn từ Pháp lệnh PCTN 1998 tới Luật PCTN 2005 qua hai lần sửa đổi thì thấy yêu cầu minh bạch tài sản, thu nhập ngày càng cao hơn, các quy định ngày càng chặt chẽ hơn: Bắt đầu là để người có chức vụ, quyền hạn làm quen dần, rồi tới công khai dần, và rồi quen dần với nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm...

Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN thì nhận định chung là vẫn chưa đạt yêu cầu. Con số thực hiện là khá nghiêm túc về số lượng, trình tự, thủ tục, thời gian - với khoảng 99% đối tượng phải kê khai đã kê khai, 98% kê khai đúng thời hạn. Nhưng hiệu quả để từ đó ngăn chặn, phát hiện ra tham nhũng thì chưa đáng kể: Hàng triệu bản kê khai mà chỉ gần 5.000 trường hợp được kiểm tra, trong đó phát hiện 17 trường hợp là kê khai chưa đúng, và xử lý rất nhẹ nhàng. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Đây không phải là hạn chế của riêng Luật PCTN mà là của nhiều luật khác. Cần cải cách mạnh mẽ theo hướng chú trọng về hiệu quả áp dụng chứ không phải số lượng ban hành, thậm chí là “thực hiện nghiêm túc” nhưng lại không mang đến hiệu quả thực tế.

Theo ông, cần sửa đổi luật PCTN thế nào để các bản kê khai không bị “cất vào ngăn tủ”, để giám sát, nâng cao tính trung thực của người kê khai?

Đã đến lúc phải chuyên môn hóa việc đó. Lập bộ phận chuyên trách, hoặc giao thêm chức năng cho bộ phận tiếp nhận, quản lý bản kê khai để có người đọc, nghiên cứu thông tin các bản kê khai, theo dõi sự biến động. Người đó phải có quyền chủ động đánh giá tính hợp lý của giải trình về tài sản, và thậm chí có quyền yêu cầu người kê khai bổ sung, làm rõ…

Chúng tôi đang bàn, có thể xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu kết nối với các cơ quan liên quan. Tài sản chung quy có mấy loại tiền, nhà đất, xe cộ, cổ phần, cổ phiếu... thì quản lý việc đó phải kết nối với ngân hàng, sở thuế, đăng ký bất động sản, ủy ban chứng khoán.

Sẽ phải sửa đổi các quy định về điều kiện rộng rãi hơn để các cơ quan có thể dễ dàng tiến hành xác minh tài sản, thậm chí cần tính đến cả biện pháp kiểm tra theo xác suất, theo định kỳ... Chẳng hạn, ngoài những việc có biểu hiện không trung thực rõ ràng cần phải xác minh thì mỗi năm sẽ tiến hành thẩm tra ngẫu nhiên 10%-15% đối tượng phải kê khai, trúng ai người đó chịu. Như thế cán bộ, đảng viên mới ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Chứ chỉ dựa vào niềm tin là cán bộ ta trung thực cả, thì khó có thể hy vọng mọi người đều nghiêm túc trong việc kê khai. Cũng cần xem lại, thu hẹp đối tượng kê khai sao cho thật cần thiết thật đích đáng, chứ cả triệu bản kê khai mỗi năm thì khó có khả năng kiểm soát được tính trung thực

Xin trân trọng cảm ơn ông!

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này