Để môi trường sống thật sự trong lành:

Phải kiểm soát được “nguồn cung”

10:25 | 30/06/2017
Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID thực hiện, trong 03 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” ở Hà Nội gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Đây quả là con số đáng báo động.
tin nhap 20170630100952 Làm an toàn môi trường sống
tin nhap 20170630100952 Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường sống

Cụ thể, chỉ số ô nhiễm môi trường không khí (AQI) trung bình của Thành phố là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi mịn PM2,5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia làm hạn chế chất lượng cuộc sống, giảm khả năng thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chiếm 70-90%; chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt.

tin nhap 20170630100952
Hoạt động của các loại xe cơ giới là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường không khí ở đô thị.

Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Theo tính toán thì xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính điêzen) nhưng lại thải ra cỡ 94% Hydrocarbure (HC); 87% Cacbon monoxit (CO); 57% Oxyde nitơ (Nox) và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và điêzen.

Còn thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đến 31/12/2016 cho thấy, trên toàn quốc có 49.079.865 xe mô tô, xe gắn máy được đăng ký mà đại đa số là mô tô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước. Riêng tại Hà Nội hiện có 5.255.245 xe máy (có khoảng 4.000 xe máy có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên), 10.686 xe máy điện, 30 xe mô tô 3 bánh được cấp đăng ký và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký).

Trong đó, có gần 1/2 số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông. Do đó, các chuyên gia về môi trường đều cho rằng, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn Thành phố trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết và cần phải sớm quy định lộ trình thực hiện. Nếu làm được điều này sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân đô thị, tăng cường thu hút đầu tư thương mại và du lịch.

Với quyết tâm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, đề xuất sau năm 2020 sẽ thu phí môi trường đối với xe máy. Cơ chế xử lý và lộ trình triển khai gồm 2 bước: Một là tiến hành kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội. Không phân biệt xe có biển số đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn để bảo đảm công bằng.

Việc kiểm soát được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải ở các mức độ: Thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với phương tiện xe môtô, xe gắn máy; thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe môtô, xe gắn máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đối với phương tiện có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép không có các biện pháp khắc phục. Hai là đề xuất không quy định niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy nhằm phù hợp với kinh nghiệm thế giới và phù hợp với các giải pháp của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Theo các chuyên gia, đề xuất này của thành phố Hà Nội là phù hợp và có tính khả thi.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này