Thu phí tác quyền: Hài hòa lợi ích các bên

11:46 | 29/06/2017
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) về quyền tác giả, quyền liên quan và tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong toàn xã hội.
hai hoa loi ich cac ben Thu phí 2000 đồng/bài hát tại các cơ sở kinh doanh karaoke
hai hoa loi ich cac ben Loạn chuyện phí tác quyền âm nhạc

Việc soạn thảo và ban hành Nghị định mới này được hy vọng sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi bản quyền, đặc biệt vướng mắc liên quan đến tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

“Phí trùng phí”

Những ngày tháng 6 này, dư luận ồn ào và bức xúc khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam quyết định thu tiền tác quyền đối với quán cà phê. Trước đó, Trung tâm này đã bị rất nhiều khách sạn, nhà hàng, các địa phương phản đối khi thu tiền âm nhạc theo đầu tivi.

Việc thu này không có căn cứ nên bị trùng thu hai lần. Tức là doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đài truyền hình để được sử dụng dịch vụ nên đối tượng phải nộp tiền bản quyền là nhà đài, chứ không phải chủ doanh nghiệp. Hơn nữa, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là bên trung gian, nơi thu hộ các nhạc sĩ nhưng không phải nhạc sĩ Việt Nam nào cũng ủy quyền thu tiền cho trung tâm này.

Thực tế, có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phú Quang không nằm trong danh sách ủy quyền. Giả sử, quán cà phê chuyên mở nhạc Phú Quang thì trung tâm không được phép thu. Bởi trung tâm không có quyền đại diện cho tất cả nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ chưa ủy quyền.

Do vậy nếu thu cả chủ nhà hàng, khách sản sẽ dẫn đến phí chồng phí hoặc thu nhầm. Trong khi đó nhiều loại hình nghệ thuật như: sân khấu ,điện ảnh, văn học, điêu khắc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… thì không có thu tương tự.

hai hoa loi ich cac ben
Ảnh minh họa.

Nhiều người lo ngại tiền tác quyền sẽ làm cơ hội hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật trong nước của người dân bị hạn chế. Nhiều khách sạn đã chọn sử dụng âm nhạc nước ngoài, cơ hội quảng bá của các tác giả âm nhạc được ủy quyền thì cũng bị thu hẹp.

Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề “nóng” này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Việc sử dụng các bài hát của nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại thì phải trả tiền cho tác giả theo điều 26, 33 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009 và điều 35 của Nghị định 100”.

Bộ trưởng khẳng định, việc thu phí của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại quán cà phê, khách sạn vừa qua là có cơ sở. Tuy nhiên cách thu, hình thức thu thì còn một số vấn đề như thu thế nào, ai ủy quyền, có căn cứ khoa học chưa, mức thu đã được thỏa thuận chưa… thì còn phải bàn lại.

“Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Trung tâm đã tiến hành thu ở khách sạn và một số quán cà phê… Sau khi có ý kiến phản đối từ dư luận, chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm phải dừng thu để cùng nhau rà soát loại xem cách thu như vậy đã đúng chưa. Bao giờ làm đúng theo quy định pháp luật thì Trung tâm mới tiếp tục thu. Về việc này Bộ sẽ có báo cáo giải trình cụ thể”, Bộ trưởng khẳng định.

Không để bên nào thiệt

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa hoàn thành dự thảo Nghị định Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định là việc đưa ra các quy định về việc “Thu, phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan” và “Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ”.

Theo đó, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Điều này sẽ hạn chế việc thu nhầm phí của những tác giả không ủy quyền.

Trường hợp không phân chia được tiền bản quyền, vì lý do khách quan, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm liên lạc với chủ sở hữu quyền, có văn thư gửi tới cá nhân, tổ chức liên quan, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng để xin phép khai thác, sử dụng. Sau thời hạn 3 năm mà vẫn không tìm được chủ sở hữu quyền, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định nộp tiền quyền tác giả, quyền liên quan vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí quản lý hành chính.

Bên cạnh đó, các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng Biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Đồng thời các tổ chức này phải công khai thông tin về các hoạt động quản lý quyền tác giả, quyền liên quan của mình và thực hiện chế độ báo cáo 6 tháng, một năm hoặc đột xuất cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi đến ngày 10/7. Sau đó, ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến để trình Chính phủ. Việc này nhằm tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để tạo môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này