Độ tuổi vàng phẫu thuật lõm ngực cho trẻ em

12:30 | 15/06/2017
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Linh, Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung Ương, bệnh lõm ngực có tỉ lệ gặp không cao, tuy nhiên nó lại là dạng dị tật thuộc hàng phổ biến nhất trong các dị tật ở ngực.
do tuoi vang phau thuat lom nguc cho tre em Nhiều trẻ vẹo cột sống có cơ hội chữa khỏi

Bệnh lõm ngực bẩm sinh là một bệnh thuộc dạng dị tật xuất hiện từ bào thai. Trung bình 1.000 trẻ sinh ra có 2- 3 trẻ bị biến dạng ngực (lồi hoặc lõm). Đa phần bệnh nhân và trẻ em bị dị tật đều là nam giới. Trong đó, tỉ lệ nam giới bị bệnh là 75%, còn tỉ lệ nữ giới chỉ chiếm khoảng 25%. Với trẻ mắc dị tật lõm ngực nếu không điều trị, chỉnh hình kịp thời sẽ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ (ngực gù vẹo, lõm sâu, co kéo).

do tuoi vang phau thuat lom nguc cho tre em
Hình ảnh bệnh nhân bị lõm ngực.

Khi người bệnh càng lớn, nhất là ở tuổi dậy thì, ngực càng bị biến dạng mạnh hơn. Lõm ngực có thể sẽ đẩy tim ra khỏi vị trí bình thường. Ngoài ra, lõm ngực còn gây ra khả năng suy căn phổi, thoát vị hoành… Bác sĩ Linh khuyến cáo, điều đáng ngại, nếu những bệnh nhân bị lõm ngực còn bị các bệnh lý cấp tính khác như: viêm phổi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết…thì tai biến rất dễ xảy ra và nguy cơ tử vong rất cao.

Nguy hiểm là vậy, song hiện nay nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về căn bệnh này mà không nghĩ rằng nó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm. Thông thường có trẻ mới sinh ra đã phát hiện ngực bị lõm, nhưng cũng có khi đến 3- 4 tuổi, thậm chí 13 tuổi mới nhận ra. Theo bác sĩ Linh nhận định: “Đa phần khi trẻ đến tuổi dậy thì, vùng xương ức không phát triển nữa phụ huynh mới thấy vết lõm rõ hẳn. Nhiều trẻ bị lõm ngực biến chứng vẹo cột sống, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, hoặc gây chèn ép vào tim gây đau đớn…thì lúc đó các bậc phụ huynh mới tá hoả đưa con đi cấp cứu”.

Đơn cử như trường hợp của cháu Trần Trung T. (14 tuổi, ở Thái Bình), vừa trải qua ca phẫu thuật lõm ngực thành công vào ngày 6/6. Theo các bác sĩ cho biết, gia đình phát hiện cháu T. có vết lõm bất thường ở ngực từ năm 9 tuổi. Nhưng thấy con vẫn khỏe mạnh, vận động bình thường nên gia đình không đưa đi khám. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi thấy T. thường xuyên kêu đau, khó thở, tức ngực… gia đình mới nhanh chóng đưa con đi cấp cứu và giật mình khi biết con bị bệnh lõm ngực.

Với những trường hợp bệnh lõm ngực bẩm sinh, bác sĩ can thiệp chỉnh hình bằng phẫu thuật đặt thanh nâng ngực, để nắn xương phát triển theo hướng mới. Khoảng 2- 3 năm sau, khi xương phát triển cứng, chắc và đã định hình nên lồng ngực thì bác sĩ sẽ rút thanh nâng ngực ra và trẻ sẽ có cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, theo khuyến các bác sĩ, điều quan trọng là các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường ở phần lồng ngực thì nên đưa đi thăm khám càng sớm càng tốt.

Bởi chính việc phát hiện để điều trị sớm, điều trị trước dậy thì sẽ đem lại cơ hội phát triển bình thường cho trẻ em. Lứa tuổi phù hợp nhất để phẫu thuật là trẻ trên 3 tuổi. Vì ở độ tuổi này việc mổ thuận lợi cho bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên và cho cả sự hồi phục của trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng mà cho trẻ mổ sớm hơn. Vì nếu mổ sớm, trẻ phải để thanh nâng ngực lâu trong cơ thể, sẽ làm ảnh hưởng và tổn hại nhiều cho sức khỏe.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này