Tràn lan nước uống gắn mác “tinh khiết”, biết đâu thật, giả!

10:28 | 15/06/2017
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội, thì mới đây, Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết đã phát hiện và xử lý 13/61 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền vi phạm ATVSTP. Điều này cho thấy, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn bị buông lỏng.
biet dau that gia Hà Nội: Còn 79 công trình vi phạm quy định an toàn cháy nổ
biet dau that gia Nhiều vi phạm về PCCC ở các chung cư: Cần xử lý nghiêm

Trăm hoa đua mở

Đến hẹn lại lên, vào mỗi mùa nắng nóng, khi nhu cầu tiêu thụ nước tinh khiết của người dân có dấu hiệu tăng mạnh, thì cũng là thời điểm một số cơ sở sản xuất, cung cấp nước uống tinh khiết kém chất lượng lại “bung” hàng ra thị trường, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” nước tinh khiết.

biet dau that gia
Cần tăng cường mức xử phạt hạn chế tình trạng nước uống đóng chai kém chất lượng trên thị trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh một số loại nước đóng chai đã có thương hiệu như: Aquafina, Lavie, Dasani…thì trên thị trường hiện tồn tại rất nhiều loại nước đóng chai với thương hiệu khác nhau như: joy, PAT, CaWa, HT, Apolo, ATLATA…khiến nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là sản phẩm đảm bảo chất lượng và sản phẩm nào kém chất lượng. Bên cạnh chưa kể đến việc nhiều loại nước uống đóng chai còn có tên gần giống với các sản phẩm có thương hiệu như: Lavia, Dasana, Aquaroma...

Ngoài thương hiệu, nhãn mác, giá thành cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Ví dụ với nước uống đóng chai Lavie có dung tích từ 19 lít nước, sẽ có giá bán giao động từ 50 – 60.000 đồng. Tuy nhiên, với các loại nước đóng chai khác như: CaWa, HT, PAT…với bình đựng nước có dung tích tương đương, thì giá bán giao động chỉ từ 10 – 20.000 đồng/bình. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng còn cho rằng, nếu ở gần các cơ sở sản xuất nước uống, giá đổi nước chỉ từ 6 -7.000đồng/bình 19 lít.

“Tôi không biết hiện nay có bao nhiêu loại nước uống đóng chai đạt chất lượng, vì trên thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu, nhiều sản phẩm khiến chúng tôi không biết đâu mà lựa chọn. Trong khi đó, trên các nhãn mác sản phầm đều có ghi đầy đủ thông tin về chỉ tiêu chất lượng, cơ sở sản xuất…Nhưng liệu nguồn nước trong bình đóng chai có đạt đúng theo tiêu chuẩn ghi ngoài bao bì hay không, thì người tiêu dùng chúng tôi không thể kiểm tra được”, anh Tiến ở Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm) bày tỏ.

Trước sự lo ngại của người tiêu dùng về vấn đề các chỉ số chất lượng trên bao bì, các chuyên gia trong ngành thực phẩm cho rằng, để phân biệt nước uống đóng chai đạt chuẩn và không đạt chuẩn khá dễ dàng. Bên cạnh việc phân biệt bằng cảm quan (nhìn bằng mắt) như nhãn mác, thương hiệu, địa chỉ cơ sở sản xuất, số điện thoại hoặc mã truy xuất nguồn gốc…Thì trên các nhãn mác sản phẩm thường ghi khá đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng về tiêu chuẩn hóa lý như: Nitrit (NO2) =< 3Mg/l); Nitrat =<50Mg/l; Mangan (Mn) =<0.4 Mg/l; Cl =<5 Mg/l. Đây là một trong các chỉ tiêu chính, đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, ngoài ra còn có các chỉ tiêu về iso, chỉ tiêu về lượng vi sinh…

Mức xử phạt vẫn quá nhẹ

Với việc thị trường nước đóng chai bùng nổ, nhưng chất lượng của các loại nước đóng chai trên thị trường như thế nào? đạt chuẩn ra sao? thì không phải người tiêu dùng nào cũng có thể nhận biết, ngoài các tiêu chí đã ghi trên nhãn mác. Để rồi, nhiều người đành phải sử dụng sản phẩm nước đóng chai trong sự nghi ngờ về chất lượng và sự nghi ngờ ấy không phải không có cơ sở. Bởi theo thông tin từ Chi cục ATVSTP Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, trong tổng số 61 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền được quản lý, cấp phép hoạt động thì đã phát hiện và xử lý 13 cơ sở sản xuất vi phạm các điều kiện về ATVSTP, mức xử phạt lên đến gần 100 triệu đồng.

Trước đó, cuối năm 2016, trong đợt triển khai công tác thanh, kiểm tra ATVSTP lần thứ 2 tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền trên địa bàn T.P Hà Nội, Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra 40 cơ sở sản xuất và phát hiện 13 cơ sở vi phạm ATTP, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính với số tiền gần 54 triệu đồng…Nhiều cơ sở vi phạm đã bị công khai danh tính trên phương triện truyền thông đại chúng. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là: thiếu trang thiết bị sản xuất, bảo hộ lao động, phương tiện rửa và khử trùng chưa đạt chuẩn; sản phẩm tem, nhẵn không đúng quy định…

Trước chia sẻ của ông Phong có thể nhận thấy, việc xử phạt đã xử phạt và công khai danh tính cơ sở sản xuất nước đóng chai và nước đá dùng liền cũng đã được các cơ quan quản lý thực hiện. Tuy nhiên, sản phẩm nước đóng chai kém chất lượng hiện vẫn tràn lan ngoài thị trường và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Trách nhiệm của các cơ quan đã rõ, nhưng trách nhiệm đến đâu và xử lý vấn đề đó như thế nào thì vẫn chưa được các cấp chính quyền nêu rõ. Trước vấn đề này nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng chế tài chưa đủ mạnh?. Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, Luật sư Đào Đăng Sơn (luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, thì mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về tiêu chuẩn khi cung cấp nước ăn, nước sinh hoạt là chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

“Mức xử phạt trong trường hợp vi phạm với các hành vi trên, cao nhất cũng chỉ là 20 triệu đồng. Đây là mức xử phạt quá nhẹ, bởi lợi nhuận của nó mang lại rất cao. Trong khi đó, hệ lụy để lại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì không thể tính nổi. Theo tôi, để hạn chế vấn đề này cũng như ngăn chặn tình trạng các cơ sở sản xuất chui, nhỏ lẻ, kém chất lượng đưa sản phẩm ra thị trường. Thì bên cạnh việc vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng, cũng cần phải tăng cường các biện pháp cưỡng chế, cũng như xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm: tăng mức xử phạt vi phạm, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sự việc xảy ra quá nghiệm trọng”, ông Sơn cho hay.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này