Giá thuốc phi mã, kìm cương bằng cách nào?

14:04 | 14/06/2017
Bước chân vào cửa hàng thuốc, không ai hỏi giá viên thuốc này bao nhiêu tiền và đặc biệt không có chuyện mặc cả. Thuốc là mặt hàng đặc trưng, khách hàng chấp nhận mua thuốc dù biết sự chênh lệch là có ở các cửa hàng thuốc, cơ sở điều trị… Thậm chí, có trường hợp giá thuốc bán buôn cao hơn cả giá bán lẻ.
gia thuoc phi ma kim cuong bang cach nao Quản chặt giá thuốc, lợi nhuận không được quá 15%
gia thuoc phi ma kim cuong bang cach nao Người bệnh có được hưởng lợi về giá?
gia thuoc phi ma kim cuong bang cach nao Việt Nam sẽ có biệt dược điều trị viêm gan C giá thấp nhất
gia thuoc phi ma kim cuong bang cach nao
Loạn giá thuốc, người bệnh biết kêu ai

Loạn giá

Cùng một loại thuốc, nhà sản xuất, cung cấp… nhưng giá bán lại khác nhau. Không chỉ thuốc thông thường mà cả biệt dược gốc, thuốc điều trị ung thư cũng rơi vào tình trạng loạn giá. Đơn cử, thuốc Simulect dùng trong điều trị thải ghép, theo giá kê khai tại Bộ Y tế là 29,7 triệu đồng/lọ nhưng giá bán tại các nhà thuốc là 31,5 triệu đồng/lọ (chênh gần 2 triệu đồng); Thuốc Herceptin (thuốc bột pha tiêm) 440mg dùng trong điều trị ung thư vú di căn có giá kê khai tại Bộ Y tế là 45,6 triệu đồng/hộp, nhưng giá tại đại lý bán ra 49 triệu đồng.

Gần đây, Sở Y tế Hà Nội tiến hành thanh tra Trung tâm dược phẩm Hapulico - một điểm buôn bán thuốc lớn của Hà Nội và tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã xảy ra nghịch lý: Giá thuốc bán buôn đắt hơn giá bán lẻ. Theo kết quả kiểm tra, loại thuốc thông dụng như Augmentin 500mg (thuốc kháng sinh điều trị viêm nhiễm) giá bán buôn của Công ty dược phẩm Bông Sen Vàng tại Trung tâm buôn bán thuốc tân dược Hapulico đắt hơn giá bán lẻ của Bệnh viện Xanh Pôn là 3.000 đồng/hộp, giá buôn là 274 ngàn đồng/hộp, giá bán lẻ là 271 ngàn đồng/hộp.

Chưa hết, giá thuốc còn phi mã nhanh đến chóng mặt mà cả người bán lẫn người bệnh phải cuốn theo. Chị Thanh Hiệp, chủ cửa hàng thuốc tại khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy kể: Vừa rồi, giá thuốc tăng cao, nhiều khách hàng đã phát hiện ra “bất thường” về giá thuốc và thắc mắc. Khi nhập hàng, chúng tôi cũng không khỏi giật mình. Khách hàng hay phải sử dụng thuốc cũng có nhiều thắc mắc nhưng giờ giá nhập tăng nên phải bán giá tăng theo".

gia thuoc phi ma kim cuong bang cach nao
Giá thuốc sắp hết thời "nhảy múa".

Chị Hiệp đưa ra một số loại thuốc tăng giá chóng mặt như Efferalgan 150mg tăng từ 47.000 lên 80.000 đồng/hộp; Efferalgan 250mg tăng từ 54.000 lên 120.000 đồng/hộp; thuốc Solmux Broncho siro (trị ho có đờm) từ 25.000 lên 80.000 đồng/lọ; thuốc Bricanyl (điều trị co thắt trong hen phế quản và trong viêm phế quản mãn) tăng từ 28.000 lên 95.000 đồng/lọ…

Các công ty dược trong nước cũng đã tăng giá thuốc từ cuối năm 2016, sang đầu năm 2017 vẫn tăng giá một loạt. Các công ty nước ngoài thì đưa ra lý do tăng giá thuốc do hàng hết lô đăng ký, trong khi chưa xin được cấp phép buộc phải tăng giá. Người bán hàng thường phải "lái" cho khách dùng hàng trong nước, tuy có tăng giá nhưng không nhiều hoặc chỉ tăng một số mặt hàng.

Cơ quan chức năng hứa “kìm cương” giá thuốc

Hiện mạng lưới cung cấp thuốc, các tầng nấc trung gian quá nhiều (lên tới 2.000 công ty phân phối) khiến người dân phải mua thuốc với giá cao bất hợp lý.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thời gian tới sẽ quản lý giá thuốc bằng nhiều biện pháp như: Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đấu thầu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc…, theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành. Trong đó, đáng chú ý là quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc.

Tại nghị định cũng nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

“Đáng chú ý, nghị định cũng nêu rõ, lợi nhuận bán lẻ từ 2-15%. Về thặng số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định: Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) × Giá mua vào.

Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau:

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%: Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1 triệu đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1 triệu đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%”, ông Đạt cho hay.

Liệu giá thuốc có được bán đúng, hợp lý khi Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.7 tới?

Theo Lệ Hà/Lao động

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này