Đánh giá tác động môi trường, lập phương án cải tạo hồ Hoàn Kiếm

17:36 | 12/06/2017
Ngày 12-6, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa) tiến hành lấy mẫu khí, mẫu nước và mẫu trầm tích tại nhiều vị trí ở trong và chung quanh hồ Hoàn Kiếm để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng cho quá trình cải tạo hồ sau này.
danh gia tac dong moi truong lap phuong an cai tao ho hoan kiem Hà Nội thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp
danh gia tac dong moi truong lap phuong an cai tao ho hoan kiem Hà Nội sắp hoàn thành nhiều dự án cấp nước
danh gia tac dong moi truong lap phuong an cai tao ho hoan kiem
Cán bộ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa) tiến hành lấy mẫu nước hồ Hoàn Kiếm.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, báo cáo này sẽ được trình Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở đó, đơn vị hoàn thiện phương án nạo vét và cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, quyết định. Phương án cải tạo gồm ba giải pháp chính là: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để bảo đảm môi trường nước sạch, nâng cao khả năng tự làm sạch của hồ; sử dụng chất Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước.

Dự kiến, trong tháng 7, công ty bắt đầu thực hiện nạo vét hồ. Thời gian thực hiện trong bốn tháng. Đây là hạng mục quan trọng trong công tác cải tạo môi trường hồ vì hiện nay lượng bùn ở đáy hồ rất lớn, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm hồ. Qua kết quả khảo sát, lượng bùn dày trung bình khoảng 1 m. Hồ đã mất khả năng tự làm sạch; chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm; nước có dấu hiệu chuyển dần sang màu đỏ do mật độ tảo lớn, xuất hiện nhiều tảo độc; độ pH ở mức cao từ 9,05 đến 9,46; cặn lơ lửng trong hồ nhiều và hồ đang bị ô nhiễm hữu cơ…

Việc cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm là cần thiết và cấp bách, nhưng cần phải được thực hiện thận trọng, bài bản, có sự giám sát chặt chẽ để không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ, nhất là đối với những loại sinh vật cần bảo tồn, đặc biệt là việc phải giữ được chủng tảo đặc hữu làm nên mầu nước xanh lục của hồ. Trong nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, các nhà khoa học sẽ tìm kiếm tảo đặc hữu và phương án lưu giữ để sau khi cải tạo sẽ cấy lại, giữ nét đặc trưng của hồ.

Theo Hạnh Nguyên/nhandan.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này