23 nghìn tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành:

Sẽ sử dụng những nguồn nào?

14:45 | 02/06/2017
Chiều qua (1/6), Chính phủ đã trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần để thực hiện trước.
se su dung nhung nguon nao Tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng
se su dung nhung nguon nao Cơ chế đặc thù cho Dự án Sân bay Long Thành

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước bảo đảm tiến độ của dự án theo nghị quyết 94 của Quốc hội. Vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài.

se su dung nhung nguon nao
Mô hình sân bay quốc tế Long Thành.

Đặc biệt, nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng phản ánh có ý kiến băn khoăn việc triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng sẽ gây ra những hệ lụy nếu trường hợp Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Rút kinh nghiệm từ những dự án quan trọng quốc gia đã được thực hiện, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác cảng hàng không Long Thành.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Riêng dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

Do vậy, với tính chất quan trọng của nội dung này, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng và tiếp tục giao Chính phủ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2017). Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra băn khoăn về việc nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc bố trí vốn để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án (5.000 ha) theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện.Trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của dự án, rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.

Về vấn đề này, ĐB Đỗ Viết Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, xét về nguồn lực thì ta mới bố trí trung hạn 2016 - 2020, đặc biệt là giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành ban đầu dự kiến 18 ngàn tỷ đồng. Bây giờ theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT lên đến 23 ngàn, có phải con số cuối cùng chưa? thực ra cũng là con số bước đầu như vậy thôi. So với nhu cầu vốn đặt ra mới bố trí được 5.000 tỷ, mới được trên 25%, số còn thiếu là rất lớn. “Vấn đề huy động vốn thế nào? Đặc biệt, đã tính đến chuyện đội vốn hay chưa bởi đây là dự án siêu lớn, nếu không tính kỹ sẽ dẫn đến đội vốn lớn ngân sách không thể gánh nổi”, ĐB Sinh nêu quan điểm.

H.Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này