Trách nhiệm hình sự đối với người vị thành niên

Cần xem xét kỹ lưỡng

15:31 | 30/05/2017
Nhiều ngày qua, việc các Đại biểu Quốc hội tranh luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người vị thành niên đã dành được sự quan tâm của dư luận. Theo quan điểm của một số chuyên gia, việc áp dụng mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người thuộc độ tuổi từ 14 tới dưới 16 tuổi cần được xem xét kĩ lưỡng và có một cách nhìn toàn diện.
can xem xet ky luong Nên hay không xử lý hình sự trẻ dưới 16 tuổi?
can xem xet ky luong Trục lợi bảo hiểm: Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trước đó, ngày 24/5, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, nhiều đại biểu quan tâm đến trách nhiệm hình sự của trẻ em phạm tội, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Phúc bày tỏ quan điểm, thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường, bắt cóc, hiếp dâm diễn ra gây lo ngại, bất ổn xã hội.

can xem xet ky luong
Việc giáo dục người vị thành niên phạm tội là vấn đề rất đáng quan tâm (ảnh minh họa)

Chính vì lẽ đó, việc xử lý nghiêm ở bất cứ mức độ phạm tội nào cũng sẽ có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa với tinh thần “thương cho roi cho vọt”. Ngược với ý kiến của bà Phúc, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nêu quan điểm, lứa tuổi từ 14 tới dưới 16 là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý dễ dẫn tới các hành động bột phát, nếu xử theo Bộ luật Hình sự thì sẽ rất nặng với các em, và dường như không còn ranh giới giữa trẻ em và người lớn phạm tội.

Để bảo vệ cho quan điểm của mình, bà Thủy đưa ra số liệu thống kê từ Viện KSND tối cao. Cụ thể, trong 3 năm từ 2014 – 2016 chỉ có 122 em bị truy tố tội cố ý gây thương tích, trung bình hằng năm mỗi địa phương chỉ có một em phải xử lý hình sự.

Liên quan tới vấn đề trên, theo bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội): Quan điểm của Cục là không đồng ý với việc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với nhóm trẻ em trong độ tuổi từ 14 tới dưới 16 tuổi. Thay vào đó nên có cách giáo dục, xử lý phù hợp hơn.

Bởi vì, khi mà trẻ em có những hành vi gọi là vi phạm pháp luật, đó không phải do lỗi của riêng các em mà gốc rễ là do gia đình giáo dục con cái không đầy đủ. Bên cạnh đó, ở trường, các em cũng không được tạo ra một môi trường thực sự trong lành để phát triển đầy đủ về thể chất lẫn nhân cách.

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, ông Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn) bày tỏ quan điểm: “Việc nên hay không nên tăng nặng tránh nhiệm hình sự đối với trẻ em vị thành niên là một vấn đề quan trọng, cần các nhà làm luật nhìn nhận một cách toàn diện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Theo tôi, trẻ em ở độ tuổi từ 14 tới dưới 16 tuổi đang trong quá trình hoàn thiện về nhận thức.

Việc các em phạm tội nên gọi là những khuyết điểm, chứ xem đó là tội ác thì có vẻ nặng nề. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành vi đó là do trẻ em độ tuổi trên chịu những thiệt thòi nhất định. Các cháu không nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo của người lớn, nên dễ sa vào những cạm bẫy của xã hội.

Ngoài gia đình, môi trường xã hội, nhà trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hình hành vi của nhóm lứa tuổi này. Gốc rễ vấn đề nằm ở việc chúng ta tìm ra nguyên nhân sâu xa khiến trẻ em vị thành niên phạm tội để có những biện pháp giải quyết triệt để, chứ không phải chờ khi các em phạm tội rồi xử lý nhất thời, cứng nhắc”.

H.Duy – X.Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này