Thuế suất nhập khẩu ôtô về 0%: Người tiêu dùng có được hưởng lợi?

11:50 | 25/05/2017
Câu chuyện thuế suất ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% trong vài tháng nữa không còn mới. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại rất nhiều câu hỏi được đặt ra và cho rằng, liệu thuế suất nhập khẩu ô tô xuống còn 0%, người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi. 
nguoi tieu dung co duoc huong loi Nhiều mặt hàng từ Campuchia sẽ hưởng thuế 0%
nguoi tieu dung co duoc huong loi Rau quả Trung Quốc được bỏ thuế khi vào Việt Nam: "Sức ép cực lớn"
nguoi tieu dung co duoc huong loi Xe Nga hưởng thuế 0% về Việt Nam từ giữa tháng tới

Trong khi đó, đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đương đầu với khó khăn mới như thế nào?.

Doanh nghiệp trong nước liệu có bị ảnh hưởng?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến thời điểm hiện tại, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN (chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia) có xu hướng tăng dần từ năm 2014 đến nay.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng ôtô dưới 9 chỗ nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia trong khu vực ASEAN lên đến 14.460 chiếc, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2016.

nguoi tieu dung co duoc huong loi
Nhiều người tiêu dùng không quan tâm khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm xuống 0%..

Từ các số liệu trên cho thấy, ngay sau khi thuế suất từ thị trường ASEAN giảm còn 30%, số lượng xe nhập khẩu từ các nước này đã tăng đột biến. Như vậy có thể đoán được, số lượng nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ chiếm một số lượng lớn như thế nào vào năm 2018, khi thuế suất về 0%.

Bên cạnh việc các số lượng nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN tăng mạnh, thì hoạt động sản xuất và lắp ráp xe trong nước cũng cho thấy có nhiều khởi sắc. Đặc biệt sau khi Quyết định số 1168/QĐ-Ttg ngày 16/7/2014 phê duyệt chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, với mục tiêu cụ thể như: Năm 2020, mục tiêu của xe sản xuất trong nước là 227.500 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ đạt 114.000 chiếc, xe tải đạt gần 100.000 chiếc…trở thành động lực lớn để các nhà sản xuất trong nước yên tâm sản xuất và phát triển.

Thậm chí, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, hiện tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô trong nước đạt khoảng 500.000 xe/năm. 12 hãng có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (bao gồm Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước.

Rõ ràng, so với con số mục tiêu đặt ra, ngành công nghiệp ô tô đã phần nào đáp ứng được mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn không ít người tỏ ra lo ngại và cho rằng, ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ gặp nhiều bất lợi trước thềm thuế suất nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0%.

Ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho rằng, doanh thu của VEAM sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi thuế suất về 0%, nhưng nền công nghiệp ô tô Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bởi ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi thời gian phát triển rất dài.

Trong thời gian phát triển, tất cả các nước đều có những chính sách để bảo hộ. Chỉ sau khi ngành ô tô phát triển qua một ngưỡng nhất định rồi mới mở rộng thị trường, hội nhập và tham gia vào khu vực kinh tế tự do. “Nhưng thực tế tại Việt Nam, thời gian bảo hộ quá ngắn” - ông Hà bày tỏ.

Giá xe trong nước sẽ giảm

Bức tranh nhập khẩu ô tô vào năm 2018 đang được nhìn nhận rất thu hút và ăn khách. Tuy nhiên, thực tế, thị trường kinh doanh ô tô lại đang chững lại. Theo chia sẻ của một số khách hàng tại các showroom ô tô cho thấy, hầu hết người tiêu dùng không quan tâm và cho rằng, dù cho giảm thuế, giá xe chắc chắc sẽ không có nhiều biến động.

Anh Nguyễn Văn Trung (Trưởng đại diện một công ty công nghệ của Pháp tại Việt Nam) cho rằng, với tình trạng đường phố kẹt xe như hiện nay, chắc chắn các nhà hoạch định chính sách của ngành ô tô Việt Nam sẽ phải làm một động thái gì đó để tăng thuế, phí, bù lại giá trị bị mất khi thuế suất về 0%. “Nếu không thì chắc Hà Nội sẽ chẳng còn chỗ trống mà đi khi giá xe xuống thấp” - anh Trung khẳng định.

Trong khi đó, anh Đỗ Hữu Tiến, trưởng nhóm bán hàng của một showroom ô tô tại Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cũng cho rằng, tất cả những người hiểu biết và có nhu cầu về xe cộ đều đã trải qua rất nhiều lần mừng hụt do đợi chờ thuế nọ giảm, thuế kia giảm nhưng cuối cùng, chính sách thuế, phí sẽ tăng lên một loại nào đó, để giá xe vẫn ở mức… cao ngất ngưởng so với giá trị thật của nó.

Người tiêu dùng cảnh giác là vậy, nhưng đối với các doanh nghiệp trong nước thì sao? Họ sẽ đối phó với vấn đề trên như thế nào?. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy máy nông nghiệp Việt Nam cho rằng, không chỉ công ty VEAM mà tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải liên kết nhau lại.

Qua đó, cơ cấu lại các sản phẩm, lựa chọn những dòng xe có sản lượng lớn để tiếp tục sản xuất, thu gọn các dòng xe sản lượng nhỏ. “Dòng xe có sản lượng lớn sẽ không chỉ hướng vào thị trường Việt Nam nữa mà cũng đặt vấn đề xuất khẩu. Và đó là cách để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và ứng phó với ô tô nhập khẩu hưởng thuế suất 0% từ thị trường ASEAN trong thời gian sắp tới”, ông Hà cho hay.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này