Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

11:12 | 28/06/2013
LĐTĐ - Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều xã thị trấn có đất nông nghiệp bị thu hồi nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Gia Lâm luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm.

Gắn dạy nghề với tạo việc làm

Công tác đào tạo nghề  cho lao động nông thôn ở huyện Gia Lâm được chú trọng đồng bộ, từ  khâu vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích và chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho  lao động nông thôn; tích cực điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề để định hướng, tổ chức dạy nghề với những ngành nghề đa dạng, sát với nhu cầu thực tiễn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở dạy nghề v.v… Với những giải pháp tích cực, đồng bộ ấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Gia Lâm đã đạt nhiều kết quả.

Năm 2012, huyện đã tổ chức được 27 lớp dạy nghề cho 909 lao động, học các nghề như:  Kỹ thuật chế biến món ăn; tin học văn phòng;  Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; chăn nuôi thú y…6 tháng đầu năm 2013, huyện tổ chức được 15 lớp dạy nghề cho 501 lao động … Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả thực chất, huyện Gia Lâm còn gắn công tác dạy nghề với tạo việc làm.Thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm, năm 2012, huyện đã giải quyết được 8.223 việc làm đạt 95,4% kế hoạch năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 giải quyết được 4.127 việc làm đạt 51,6% kế hoạch năm.

Có thể nói, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Gia Lâm đã bước đầu đi vào cuộc sống,  góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Đưa đào tạo nghề về doanh nghiệp

Dù đạt những kết quả tích cực, song công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Gia Lâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cản trở lớn nhất là một bộ phận NLĐ chưa nhận thức và tích cực tham gia học nghề để chuyển đổi công việc có thu nhập cao hơn  nên số người tham gia học nghề còn ít, số lượng ngành nghề học đăng ký còn hạn chế. Những nghề về dịch vụ, kinh doanh thương mại…chưa có nhiều lao động đăng ký học, những nghề truyền thống trên địa bàn như nghề gốm sứ chưa được đưa vào danh mục dạy nghề. Ngoài ra, do tình hình suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, cắt, giảm lao động hoặc không có nhu cầu tuyển dụng lao động,…cũng gây không ít khó khăn trong việc giải quyết việc làm, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, dạy nghề ngắn hạn trên địa bàn.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đạt hiệu quả, huyện đề xuất Thành phố có cơ chế mở đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện tự tổ chức đào tạo, dạy nghề nhất là nghề truyền thống địa phương và được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, quan tâm đầu tư cho Trung tâm dạy nghề của huyện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực…) để chủ động phát huy khả năng đào tạo, dạy nghề  ngắn hạn cho NLĐ đồng thời hỗ trợ cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề. Huyện cũng đề nghị Thành phố bổ sung nghề gốm sứ trong danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng và mức chi phí đào tạo nghề.
 

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này