Để nội địa hóa thuốc chữa bệnh:

Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt

17:28 | 16/05/2017
Theo Bộ Y tế, thực hiện chương trình nội địa hóa ngành Dược và triển khai cuộc vận đồng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,  Bộ này phấn đấu, đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.
nguoi viet uu tien dung thuoc viet Thuốc nội bắt đầu “lên ngôi” tại các cơ sở y tế
nguoi viet uu tien dung thuoc viet Tỉ lệ dùng thuốc nội trong các bệnh viện còn thấp

Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều đã tăng lên so với trước đây. Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%. Tỷ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và nay là 69,4%”. Đặc biệt, có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khi tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như: Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận.

nguoi viet uu tien dung thuoc viet

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, hiện nay sản xuất trong nước đã đáp ứng được khỏang 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh. Cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức y tế thế giới. Với 520 hoạt chất trên tổng số 593 hoạt chất hiện đang lưu hành trên thị trường. Tính đến năm 2015, đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức y tế thế giới. Các nhà máy dược phẩm cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Đồng thời tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Nhờ vậy, chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại. Điều này cho thấy, năng lực sản xuất thuốc trong nước khá lớn và có khả năng đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam. Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản để hỗ trợ thực hiện đề án như: Về cơ chế chính sách; giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; giải pháp đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc; các giải pháp về truyền thông. Trong đó, chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" đã được xây dựng và triển khai nhằm lựa chọn, tôn vinh, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất thuốc và các sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam.

Với 5 kênh truyền thông chính gồm: truyền hình, phát thanh, báo giấy, internet và truyền thông trực tiếp thông qua các triển lãm, sự kiện, tọa đàm... Truyền thông trực tiếp với thông điệp: “Việt Nam có đủ năng lực và công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm thuốc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn trong phòng và điều trị bệnh, với giá thành ở mức chấp nhận được so với thu nhập của người dân từ đó giúp thầy thuốc, người dân có định hướng tốt hơn trong quá trình điều trị bệnh”- Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược nhấn mạnh.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này