Đường Điện Biên Phủ

11:31 | 16/05/2017
Ngày 7/5/1964, UBNDTP Hà Nội cùng quân và dân Thủ đô long trọng tổ chức thực hiện lễ đặt tên Đường Điện Biên Phủ thay tên phố Cột Cờ trước đó.
duong dien bien phu “Chiến thắng Điện Biên” - bản hùng ca bất diệt
duong dien bien phu Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Mốc son chói lọi

Đường Điện Biên Phủ nằm trong khu trung tâm thành phố dài 1144m bắt đầu từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quảng trường Ba Đình đến ngã năm phố Cửa Nam.

Xưa kia đây chỉ là vùng đất hoang vắng trong lòng Hoàng Thành. Phía Đông Nam của quảng trường Ba Đình có một khoảnh ruộng gọi là “Tịch Điền”, hằng năm vua ra đấy cày ruộng là nghi lễ mở đầu cho công việc đồng áng để cả năm được thuận lợi, bội thu. Giữa con đường có chiếc hồ mang tên “Hồ Voi”.

duong dien bien phu

Quân sĩ hàng ngày thường cho voi ra đây tắm. Trước “Hồ Voi” năm 1805 vua Minh Mạng quyết định khởi công xây dựng Cột Cờ. Đốc công là ông Đinh Công Chất. Đến năm 1812, công trình hoàn thành, Cột Cờ cao 41m, hình lục lăng, dựng trên tam cấp hình vuông xây bằng gạch gốm. Trên ngọn cờ có đắp hai chữ “Kỳ Đài”.

Sau khi Pháp chiếm Hà Nội, năm 1894 - 1897, chúng phá bỏ 4 bức tường của Hoàng Thành, xây Phủ Toàn Quyền trên Quảng trường Tròn (nay là Quảng trường Ba Đình và vạch một con đường chéo góc từ Phủ Toàn Quyền thẳng đến vườn Cửa Nam, mục đích tạo một con đường nối phủ Toàn quyền đến khu lãnh sự Đồn Thủy qua các phố lớn hiện đại: Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền. Pháp đặt tên đường là Đại lộ Puyginie (Pugenez).

Suốt 30 năm con đường vẫn nằm trên khoảnh đất trống trơn như vùng ngoại thành. Chung quanh Cột Cờ là một bãi đất rộng làm chỗ vui chơi với sân vận động Măng gianh (Mangin). Đến năm 1937 xây thêm nhà Câu lạc bộ quân đội. Quân Pháp dùng Cột Cờ làm tháp đài truyền tin, hữu tuyến và vô tuyến, chỗ nuôi chim bồ câu đưa thư. Dưới chân Cột Cờ là nhà làm việc của Binh chủng Thông tin, chỗ ở của sĩ quan Thông tin. Tiếp xuống phía Nam là chỗ ở của trại lính khố đỏ.

Năm 1926, Pháp lấp “Hồ Voi” làm vườn hoa có trồng cây cao bóng cả, bồn hoa, cùng những con đường dọc ngang trong vườn được lát đá phẳng phiu. Pháp đặt tên là vườn hoa Puyginiê. Trong vườn hoa, trước Cột Cờ dựng một bệ đài cao, trên đài có tượng hai lính Pháp một tên giương súng bắn vào Cột Cờ, một tên vung tay ném lựu đạn. Chung quanh có những bức tượng biểu trưng từng lớp sĩ nông, công thương. Người nông dân vác chiếc cày dắt con trâu to lớn. Người Hà Nội gọi là vườn hoa Canh Nông.

…Ngôi nhà số 21 là khu nhà lớn 2 tầng, có tầng hầm với nhiều phòng thiết kế mỹ thuật hiện đại. Đây là nhạc viện Viễn Đông xây dựng năm 1928 - 1929. Sau ngày giải phóng thủ đô Đại lộ Puyginiê đổi tên Phố Cột Cờ.7/5/1964 Phố Cột Cờ mang tên mới Đường Điện Biên Phủ. Cột Cờ Hà Nội đã gần 200 tuổi, với lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn tung bay lồng lộng trên bầu trời thủ đô biểu tượng vinh quang, niềm tự hào dân tộc.

Đây là một công trình nguyên vẹn, hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành. Trên số nhà 28 Điện Biên Phủ là Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, bảo tàng đầu hệ của hệ thống Bảo tàng Quân đội. Nơi đây đã đón tiếp 17 triệu lượt du khách của 150 nước trên thế giới đến tham quan.

Lê Nhật Tăng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này