Doanh nghiệp khốn đốn

10:15 | 27/06/2013
LĐTĐ - Ngoài thủ tục hành chính rườm rà, một trong những lý do khiến môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn là chính sách không ổn định. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Hội các DN TP Hồ Chí Minh vừa qua, một lần nữa vấn đề thay đổi chính sách lại được các DN kiến nghị nhiều.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính sách (các đaọ luật, văn bản dưới luật) có tính chất sống còn trong chiến lược kinh doanh và phát triển. Bên cạnh độ mở, cộng đồng DN cần là tính ổn định của chính sách. Tính ổn định ít nhất phải có thời gian sống 5 năm trở lên. Thế nhưng, ở ta có những chính sách chỉ “sống” 3 tháng, chẳng hạn như chính sách thuế, phí... khiến DN chưa kịp trở tay này đã phải chống tay kia. Không chỉ chính sách thuế gây cản trở cho cộng đồng DN mà nhiều chính sách liên quan đến khuyến khích sản xuất kinh doanh vừa mới ra đời đã vội cấm khiến DN tốn kém tiền của.

Trường hợp của doanh nhân Lê Hải Châu, giám đốc Công ty Chu Việt  TP Hồ Chí Minh là ví dụ. Mới đây, sau khi đọc bài “Có nên cho phép đốt pháo không nổ?” trên báo Lao động Thủ đô, doanh nhân này đã ra Hà Nội đến cơ quan báo để bày tỏ. Theo lời kể của ông Châu, cách đây gần 20 năm, trước những tai họa nghiêm trọng do đốt pháo gây ra, vào năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị cấm vận chuyển, sản xuất, kinh doanh và đốt pháo nổ các loại. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, song theo suy nghĩ của ông Châu, đã là ngày tết cổ truyền mà không có pháo thì thật buồn. Và, việc Chính phủ tiến hành cấm chỉ là các loại pháo gây ra tiếng nổ có độ sát thương cao, thế nên ông đã nảy sinh ý nghĩ nghiên cứu, hợp tác để sản xuất loại pháo không gây tiếng nổ có tính nghệ thuật song vẫn đảm bảo an toàn. Ý tưởng ra đời từ đó và đến năm 1996, dự án sản xuất pháo nhựa trang trí không phát tiếng nổ đã được trình lên các cấp có thẩm quyền ở TP. HCM. Và cũng năm đó, lãnh đạo Sở Văn hóa- Thông tin TP đã chấp bút phê chuẩn đồng ý cho doanh nghiệp sản xuất. Thế là sản phẩm pháo không nổ của cơ sở ông Châu đã được sản xuất và bày bán trên thị trường TP. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, không lâu sau ngày sản xuất, lực lượng quản lý thị trường TP và công an kinh tế đến lập biên bản tịch thu pháo không nổ tại các cửa hàng, đại lý vì kinh doanh hàng cấm. Thế là cơ sở ông Châu không chỉ bị đóng cửa mà các đại lý cũng lũ lượt tìm đến đòi nợ. Từ địa vị ông chủ, bỗng chốc ông Châu trở thành con nợ.

Theo Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8 tháng 8 năm 1994 về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 chỉ nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức và cá nhân được phép sản xuất, buôn bán pháo hoa, thuốc pháo hoa khi sản xuất, vận chuyển đều phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyết đối. Phải vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng, có giấy phép vận chuyển của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp và phải kèm theo chứng từ mua bán hợp lệ. Không được vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa trên các phương tiện không an toàn, phương tiện có chở người.

Theo ông Châu, từ khi hình thành ý tưởng rồi được cơ quan quản lý đồng ý cho sản xuất khoảng 2 năm, đến ngày cơ sở sản xuất bị đóng cửa, cơ quan quản lý thị trường mới đưa ra Công văn số 165 của UBNDTP ban hành ngày 18/1/1996 về việc thực hiện Công điện 382 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ thị của Thủ tướng về cấm vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, đốt pháo nổ; kể cả pháo trang trí bằng giấy bằng nhựa. Điểm lạ, trong khi Chỉ thị của Thủ tướng chỉ cấm pháo nổ ban hành năm 1994,  nhưng đến năm 1996, VPCP truyền đạt bằng văn bản lại đưa thêm cả pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa vào. Thế là các cơ quan thực thi cứ chiếu theo công văn thực hiện.

Điều khiến ông Châu đến nay không thể hiểu và lý giải được, liên quan đến việc thực thi Chỉ thị của Thủ tướng vào năm đó, bao Tuổi trẻ đăng tin (27/1/1996): “Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Quốc Mậu cho biết, công điện 382 của VPCP chỉ cấm các loại pháo phát ra tiếng nổ, còn các loại pháo chỉ treo, trang trí mà không phát ra tiếng nổ thì không”. Mừng thầm, ông Châu quyết định bay ra Hà Nội để tìm hiểu thực hư, thì thời điểm đó tại Hà Nội ông lại đọc được tin từ văn bản số 590/NC của VPCP tiếp tục khẳng định Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cấm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ tất cả các loại pháo. Kể cả pháo không nổ. “Sự lùng nhùng của các văn bản đến nay đã được gần 20 năm, DN tốn kém không  biết bao nhiêu tiền của từ những mâu thuẫn của chính sách nhưng vẫn chẳng được các cơ quan xem xét”, ông Châu cho biết.
Từ câu chuyện kinh doanh của doanh nhân Châu, một số DN và chuyên gia kinh tế cho rằng, sự không thống nhất về cơ chế, chính sách, cũng như thay đổi chính sách xoành xoạch không chỉ đưa DN vào tình cảnh khó khăn mà còn thiêu đốt nhiều ý tưởng kinh doanh, vốn là chìa khóa dẫn đến thành công trong một nền kinh tế thị trường sôi động. Vấn đề nữa đặt ra là liệu các DN như DN của ông Châu có được bồi thường thiệt hại khi lâm vào vòng khốn đốn do chính sách không ổn định.

T. Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này