Phố Hàng Bột xưa

11:56 | 12/05/2017
Hàng Bột xưa là con đường kinh lý Bắc Nam, qua Ô Chợ Dừa lên Văn Miếu rồi sang Cửa Nam – Cửa phía Nam của thành Thăng Long. Nó  thuộc địa phận kinh thành cũ nhưng ở vòng ngoài mà  Ô Chợ Dừa  là một trong các cửa ô để vào Thăng long xưa.
pho hang bot xua Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
pho hang bot xua Nhiều vi phạm luật giao thông ở ngã 7 Ô Chợ Dừa

Từ Ô chợ dừa đi vào, phố Hàng Bột đi qua đất của các thôn - phía tây là các làng Dũ Hậu, Tiên Thù, Cận Tú Uyên đều thuộc tổng Yên Thành. Phía đông là các làng: Xã Đàn, Huy Văn, Hương Miến đều thuộc tổng Hữu Nghiêm, thuộc huyện Thọ Xương.Đến giữa thế kỷ 19, nhà Nguyễn đổi lại tên các thôn.

Từ thời Pháp, Phố Hàng Bột gọi là Rue Soeur Antoine. Hàng Bột là một đoạn đường thiên lý từ Nam ra Bắc, lối đi vào thành Thăng Long.Vùng này tuy là đất thuộc địa phận kinh thành cũ nhưng còn là ở vòng ngoài mà Chợ Dừa là một cửa ô.

pho hang bot xua
Một đoạn Phố Hàng Bột (Tôn Đức Thắng) năm 1991.

Suốt thời Pháp thuộc cho mãi đến năm 1945, địa giới phía nam thành phố Hà Nội chỉ đến con đường mới vạch đặt tên là Đường 221. Do vậy phố Hàng Bột đoạn dưới không thuộc đất quản lý của thành phố nên không được mở mang theo quy hoạch mà vẫn chỉ là con đường cái hàng tỉnh từ Hà Nội vào Hà Đông, chưa phải một đường phố chính thức.

Hai bên đường rất ít nhà cửa, có khu di chỉ cũ huyện Thọ Xương sau này chính phủ đem nhường cho bà sơ Antoine làm một trại thu nhận và nuôi người tàn, trại này sau cũng cúng vào công cuộc của bà sơ Antoine (nay là Nhà thờ Hàng Bột).

Theo nhiều người kể lại, năm 1910 Hàng Bột là một con đường cái không rộng trải đá lổn nhổn, có đường xe điện chạy sát mép đường bên phía tây. Sau này phố đã được mở rộng thành đường lớn. Hàng Bột trở thành một đường phố quan trọng hơn trước là từ ngày có phố Khâm Thiên, một xóm giải trí ăn chơi của người Hà Nội sẵn tiền, đồng thời cũng là khu vực ven nội bắt đầu phát triển những cơ sở sản xuất tiểu thủ công.

Tuy thế Hàng Bột là một đường phố lao động, làm ăn là chính,ở đây không có nhà hát, dù có vài nhà "săm" nó cũng chỉ là cái đuôi của xóm ăn chơi Khâm Thiên. Từ 1936 trở đi, phố Hàng Bột nhà cửa dần dần mọc lên kín hai hai bên đường. Tuy nhiên, con đường ngoại ô đi vào tỉnh lỵ Hà Đông này thường chỉ sầm uất người và xe cộ đi lại vào những ngày trong tháng có phiên chợ Tơ.

Phố Hàng Bột trước năm 1945, về mặt hành chính có hai bộ phận: Phần đất nội thành từ đầu phố giáp với Hàng Đãy chỗ cạnh Văn Miếu, đến dưới ngã ba vào ngõ Thông Phong, tức là bên dưới phố Quốc Tử Giám độ một trăm mét vì con đường ranh giới cũ của thành phố đi sát tường bên Nhà thờ Hàng Bột qua các làng Yên Trạch và Lương Sử tới cạnh khu Ga Hàng Cỏ. Phần đất ngoại thành kể từ ngã ba phố Phan Văn Trị và ngõ số 83 (nay là Xí nghiệp Duợc Phẩm) đến Ô Chợ Dừa .

Phần phố thuộc đất nội thành thì được bản đồ địa chính ghi là Rue Soeur Antoine còn phần phố nằm trên đất ngoại thành chính thức không có tên nhưng để tiện việc thư từ người ta cứ viết là phố Ăng Toan kéo dài (Rue Soeur Antoine prolongée). Còn tên thông thường vì người dân không phân biệt cứ gọi chung cả là phố Hàng Bột.

Năm 1988, Phố Hàng Bột đã đổi tên thành phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột. Phố Tôn Đức Thắng ngày nay được nhiều người biết đến vì nó là trục đường chính nối từ Ô chợ dừa đến tận ngã tư Nguyễn Thái học, Văn Miếu. Trên phố này ngày càng trở nên đông đúc và nhộn nhịp bởi tập trung rất nhiều cửa hàng bán giày dép và quần áo thời trang. Ngoài ra, trên trục đường này cũng còn một địa chỉ rất nổi tiếng đối với người dân Hà Nội đó là Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ngày nay, cái tên Phố Hàng Bột đã không còn được dùng nữa, nhưng trong tâm thức của rất nhiều người dân sống trên con phố này, cái tên Hàng Bột vẫn là một cái gì đó vừa thân quen và luôn nằm trong tâm chí của họ mỗi khi đi qua con phố này.

P.Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này