Đắng lòng tâm sự của bà cụ 25 năm cân dạo kiếm sống

13:47 | 07/05/2017
“Mặc dù có 2 đời chồng, mà tới cuối đời tôi vẫn phải sống cô độc. Cũng không ai như tôi, sống tới 87 tuổi mà có tới 25 năm ngồi cân dạo trước cửa khu Bách hóa Thanh Xuân (Hà Nội), chỉ để kiếm đủ 10.000 đồng tiền ăn và 40.000 đồng trả tiền thuê trọ mỗi ngày”, cụ Đinh Thị Thanh đắng đót chia sẻ.
dang long tam su cua ba cu 25 nam can dao kiem song Cám cảnh người phụ nữ 70 tuổi vẫn nhặt rác lo cho con
dang long tam su cua ba cu 25 nam can dao kiem song Chuyện vui của cụ ông 70 tuổi vẫn đi học

"Không sợ chết, chỉ sợ ốm dai dẳng"

Không khó để tìm cụ Đinh Thị Thanh (hay còn gọi là cụ Cân), bởi hơn 20 năm nay, cụ vẫn ngồi ở hành lang Bách hóa Thanh Xuân để kiếm sống bằng một chiếc cân đo sức khỏe.

Mặc dù đã ở cái tuổi bát tuần, nhưng cụ Cân vẫn còn tinh anh. Dáng người nhỏ thó, mái tóc bạc phơ, đặc biệt là đôi mắt và tai cụ vẫn tinh tường. “Được cái ông trời thương, bao nhiêu năm phơi sương phơi nắng ở đây cân dạo nhưng cũng không đau ốm gì cả. Nếu mà ốm thì tôi cũng kệ vì chẳng có tiền mà đi khám. Tôi không sợ chết, mà chỉ sợ ốm dai dẳng thôi”, cụ Cân thật thà kể.

dang long tam su cua ba cu 25 nam can dao kiem song
Cụ Cân 87 tuổi và đã nhiều lần xin hiến xác cho y học.

Hàng ngày cứ 8h sáng, người ta lại thấy cụ tập tễnh đẩy xe hàng nhỏ từ nhà trọ sang đường đi làm. Theo quan sát của phóng viên, "cửa hàng" của cụ chỉ vỏn vẹn vài cuốn lịch vạn niên, một hộp kẹo, hai bao thuốc lá... Thứ đắt tiền, đáng giá nhất là cái cân cụ mới mua cuối năm ngoái, giá hơn một triệu đồng.

“Người lớn 3.000 đồng/lượt, trẻ em 2.000 đồng/ lượt. Không đi làm lấy gì trả tiền nhà mỗi tháng. Mà tôi già rồi ăn thì không lo, chỉ ngặt mỗi tiền nhà. Thôi thì cũng phải có chỗ ngủ chui vào cho yên thân", cụ Cân cho biết.

Được biết, mỗi ngày cụ Cân kiếm được chừng 30.000 đồng, họa hoằn lắm mới được 50.000 đồng. Nhiều người qua đường, vừa cân vừa biếu cụ chút tiền ăn quà. Vài năm trước thương tình cảnh cụ già neo đơn, một người khách tốt bụng đã trả tiền để gửi cụ vào viện dưỡng lão. Nhưng ở được 3 tháng, phần vì tiếc tiền, phần vì sống không quen, cụ Cân xin ra để thảnh thơi với chiếc cân và lại đi ở trọ.

Cụ Cân vốn là người quê gốc Thái Bình. Cha mẹ, anh em, họ hàng thân thích của cụ đều mất hết vào nạn đói năm 1945, chỉ còn mình cụ sống sót. Cả tuổi thơ cụ là một chuỗi những ngày sống trong đói khổ, rét mướt và cô đơn. Khi không còn gia đình cụ “dạt” về Hà Nội. Đôi chân của cụ đã rong ruổi khắp mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội để kiếm kế sinh nhai.

Mong muốn hiến xác cho y học

Hai lần lập gia đình nhưng cuối đời cụ Cân vẫn sống cô độc. Theo lời cụ Cân kể, năm 1974, khi đi làm ở công trường, cụ quen rồi lấy một người chồng ở quận Đống Đa, Hà Nội. "Tuy nhiên, được hơn 1 năm thì hai vợ chồng bỏ nhau, tôi ở vậy chăm con được hơn 1 tuổi thì cháu bị bệnh rồi qua đời”, cụ Cân tâm sự.

Cho đến vài năm sau, cụ quen ông Nguyễn Công Vinh (Bình Định). Hai người có với nhau một người con và sống trong căn nhà nhỏ ở phường Ô Chợ Dừa. Sau khi ông Vinh mất do bệnh hiểm nghèo, để lại cụ một mình nuôi đứa con trai thơ dại. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi người con duy nhất của cụ bị bệnh qua đời.

Cụ Cân kể: "Trái tim tôi tan nát vì hai lần mất con. Cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, đã có lúc quẫn chí tôi chỉ muốn chết theo con. May có hàng xóm động viên chia sẻ, nên tôi mới có thể mạnh mẽ sống được tới bây giờ".

dang long tam su cua ba cu 25 nam can dao kiem song
Ngoài chiếc cân sức khỏe, thì cụ Thanh còn bán thêm những thứ hàng vặt để kiểm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Năm tháng qua đi, khi tuổi đã già cụ sắm một cái cân sức khỏe rồi ra ngồi ở hành lang bách hóa Thanh Xuân. Mấy năm gần đây, cụ thuê tạm được một căn phòng trọ tồi tàn rộng 6m2, ẩm thấp với giá 1.000.000 đồng/ tháng. Ngồi cân ngoài vỉa hè, thỉnh thoảng cụ mới dám mua một quả trứng và ít rau luộc nhừ ăn. Có hôm người ta cho gì ăn nấy. Nhiều khi cả ngày cụ chỉ nhấm nháp bánh mỳ và nhấp thêm ngụm nước cho qua bữa.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất thích đọc báo, cụ Cân xem báo như người bạn tri kỷ của mình. Mỗi ngày cụ vẫn lắng nghe dự báo thời tiết qua đài, để biết ngày mai nắng mưa như thế nào. Phần để đối phó với căn bệnh khớp hành hạ mình suốt nhiều năm qua. Cũng nhờ nghe đài, rồi đọc báo cụ mới biết mình có thể hiến xác cho Y học để góp phần hỗ trợ nghiên cứu chuyên môn cho ngành Y, từ đó có thể góp phần chữa bệnh cứu người. Cụ đã viết đơn xin hiến xác cho Đại học Y.

"Tôi viết đơn xin hiến xác sau khi mất tính đến bây giờ đã được 6 năm rồi, vậy mà trời đã cho chết đâu. Thôi thì coi như tôi vừa làm việc có ích với đời, với tôi chẳng người thân thích, khi chết nào có ai lo tang ma nữa đâu", cụ Cân cho biết thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này