Chung tay thực hiện mục tiêu giảm đói nghèo

14:38 | 04/07/2013
LĐTĐ - Mặc dù hiện nay còn một phần ba trẻ em Việt Nam vẫn chưa đạt chiều cao theo chuẩn , nhưng tỉ lệ thấp còi do suy dinh dưỡng cũng đã có xu hướnggiảm.

Ba năm qua, Chương trình chung giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ với kinh phí đầu tư lên tới 3,5 triệu đô la. Đây là một sáng kiến mới mẻ lần đầu tiên có sự kết nối giữa các ngành nông nghiệp và y tế với các can thiệp dinh dưỡng và an ninh lương thực, đã giúp cải thiện tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) ở sáu tỉnh trọng điểm, đồng thời tổ chức một số hoạt động với người nông dân nhằm tăng khả năng cung cấp các loại thực phẩm an toàn, có chất lượng.

Tại các Bệnh viện Bạn hữu Trẻ em được đến thăm trong phạm vi đánh giá cuối cùng, tỉ lệ cho con bú sớm, theo báo cáo, đã tăng từ 70,5% lên 97%. Các nhóm NCBSM dựa vào thôn, bản được thành lập tại một số địa bàn tỉnh An Giang cũng có tỉ lệ cho con bú tăng từ 80% lên 92%, trong đó, tỉ lệ cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu tăng từ 0 lên 12%.

Ở cấp quốc gia, vận động chính sách thành công đã giúp kéo dài chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 4 lên 6 tháng, được thông qua trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 và bắt đầu đi vào thực hiện từ Tháng 1, 2013. Nhằm bảo vệ hơn nữa quyền NCBSM của bà mẹ và trẻ em, Luật Quảng cáo 2012 đã ban hành điều khoản cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các sản phẩm có liên quan cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và bắt đầu có hiệu lực từ Tháng 1, 2013.

Liên Hợp Quốc cũng đã hỗ trợ thực hiện các mô hình can thiệp về an ninh lương thực và dinh dưỡng tập trung vào nhóm đối tượng khó khăn, ở vùng sâu vùng xa. Kết quả là, trong tương lai, Việt Nam sẽ chuẩn bị ứng phó tốt hơn các tác động của bão lụt, hạn hán và các loại hình thiên tai khác. Một Hệ thống Thông tin Toàn cầu và Cảnh báo sớm về nông nghiệp và lương thực cũng đã được thiết lập nhằm bảo vệ các cộng đồng có nguy cơ cao nhất thông qua việc đưa ra những cảnh báo sớm về khủng hoảng lương thực có thể xảy tới tại các tỉnh và huyện.

Tại Việt Nam, thiếu dinh dưỡng thường xảy ra trầm trọng nhất tại những khu vực miền núi xa xôi, hẻo lánh và mức độ an ninh lương thực giữa khu vực thành thị và nông thôn và giữa các dân tộc cũng có sự khác biệt. Đảm bảo lương thực sẵn có tại địa phưong để cải thiện tình hình dinh dưỡng cho cộng đồng cũng chính là một trong những hỗ trợ chính của Chương trình chung này.Thông qua Chương trình chung, Hệ thống Giám sát Dinh dưỡng Quốc gia đã được cải thiện đáng kể, sử dụng các chỉ số được quốc tế khuyến khích và các số liệu phân tổ theo vị trí địa lý, dân tộc, giới và tình hình kinh tế - xã hội nhằm ưu tiên các khu vực cần sự hỗ trợ nhất. Đồng thời, chương trình cũng đưa vào áp dụng thành công các mô hình bệnh viện hiệu quả và điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp trầm trọng dựa vào cộng đồng bằng thực phẩm trị liệu được sản xuất trong nước.

“Chương trình chung đặc biệt ở chỗ Chương trình này quy tụ được tính chuyên môn của cả ba Cơ quan của LHQ và các Bộ Y tế và Bộ NNPTNT. Nhờ “thống nhất hành động”, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, y tế và dinh dưỡng toàn diện và bền vững hơn.” Điều phối viên Thường trú của LHQ, Bà Pratibha Mehta đã phát biểu tại hội nghị ngày hôm nay.

Thứ trưởng Bộ Y Tế, đại diện của chính phủ Việt nam, PGs. Ts Nguyễn Thanh Long cho rằng kết thúc Chương trình cũng là mở ra một trang mới trong việc lồng ghép đa ngành trong lĩnh vực dinh dưỡng và an ninh lương thực trong tương lai. Những kết quả của Chương trình chung này sẽ được tiếp tục triển khai bền vững, cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em Việt Nam, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam.

Dưới sự tài trợ của Chính phủ Tây Ban Nha thông qua Quỹ Hỗ trợ đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ MDG-F, Chương trình chung đã góp phần chỉ đạo hướng đi mới, góp phần xây dựng Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2012-2020, thực hiện Chiến lược An ninh lương thực quốc gia, Kế hoạch Hành động Quốc gia về Dinh dưỡng và Nuôi dưỡng Trẻ sơ sinh và Trẻ nhỏ 5 năm và các Kế hoạch Hành động riêng của từng tỉnh.

Châu Anh

 

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này